Hàng không Việt Nam năm 2022: Ánh sáng nơi cuối đường hầm

THY HẰNG 02/02/2022 02:49

Doanh nghiệp lạc quan khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế sẽ khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không nói riêng, du lịch nói chung, để Việt Nam không tụt hậu.

>>>DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Mua trước trả sau "lan" sang hàng không

Dù tương lai ngành hàng không còn nhiều bất định, nhưng các ý kiến cho rằng hàng không Việt vượt qua điểm sâu nhất của cuộc khủng hoảng, con đường phục hồi đang đến khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tăng lên và Chính phủ các quốc gia dần khôi phục quyền tự do đi lại.

hàng không Việt vượt qua điểm sâu nhất của cuộc khủng hoảng, con đường phục hồi đang đến khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tăng lên

Hàng không Việt vượt qua điểm sâu nhất của cuộc khủng hoảng, con đường phục hồi đang đến khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tăng lên.

"Ánh sáng nơi cuối đường hầm"

Từng là một ngành có tốc độ tăng trưởng nóng, hàng không Việt cũng như nhiều ngành nghề khác điêu đứng trước cơn bĩ cực chưa từng có tiền lệ – dịch Covid-19. Nói như ông Dương Trí Thành, cựu Tổng Giám đốc Vietnam Airlines "dịch Covid-19 đã kéo hàng không chậm lại 3-4 năm và khiến cho tích lũy 4-5 năm trước coi như về 0".

Theo đó, các đường bay quốc tế, vốn chiếm 60% doanh thu, bị tạm dừng khai thác do các chính sách hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới giữa các quốc gia. Các chuyến bay nội địa cũng không khá hơn khi rơi vào cảnh “mở ra rồi đóng lại” sau mỗi đợt dịch. Hoạt động khai thác sụt giảm mạnh, tàu bay “đắp chiếu” nằm sân cả ngày lẫn đêm, các hãng hàng không lao đao tìm chỗ đỗ, đồng thời giảm quy mô đội bay đáng kể. 

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng hàng không Việt vượt qua điểm sâu nhất của cuộc khủng hoảng, con đường phục hồi đang đến khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tăng lên và Chính phủ các quốc gia dần khôi phục quyền tự do đi lại.

Đánh giá thị trường năm 2022, Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) dự báo, năm 2022, khu vực châu Á cũng sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ. Vận tải hàng không sẽ quay về mức 70 - 75% so với giai đoạn năm 2019 trước khi có dịch COVID-19, trong đó, vận tải quốc tế sẽ đạt khoảng 20 - 25% so với trước dịch và tăng dần vào quý IV/2022.

“Tại Việt Nam, vận tải quốc tế sẽ đạt khoảng 20 - 25% so với trước dịch và tăng dần vào quý IV/2022. Thị trường còn yếu và nhiều lý do liên quan đến dịch bệnh, thu nhập hành khách bị ảnh hưởng trong thời gian vừa qua do đại dịch Covid-19 tác động, vì vậy, cần thời gian để thị trường phục hồi trở lại”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá.

Cùng quan điểm, ông Jeremy Bowen Giám đốc điều hành Hãng phân tích dữ liệu hàng không Cirium cũng nhận định, có “ánh sáng ở cuối đường hầm” khi các hành lang du lịch quốc tế dần mở cửa trở lại.

“Năm 2022 là năm tăng tốc. Sự phục hồi sẽ được thúc đẩy chủ yếu bởi lượng khách nội địa dự kiến sẽ trở lại mức trước Covid-19 vào cuối năm 2022, trong khi lượng khách quốc tế được dự đoán đạt khoảng 2/3 so với năm 2019", ông Jeremy Bowen nhấn mạnh.

Trên thực tế, kế hoạch mở lại đường bay quốc tế theo 4 giai đoạn, từng bước khôi phục ngành hàng không kể từ năm 2022 cũng đã được thống nhất. Theo đó, từ 1/1, Chính phủ đã quyết định khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là 9 thị trường Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles.

Hiện nay, Cục Hàng không đã đàm phán và mở thành công đến 8 thị trường, chỉ còn đường bay đến Trung Quốc chưa được nhà chức trách hàng không nước này chấp thuận.

Vận tải hàng không sẽ quay về mức 70 - 75% so với giai đoạn năm 2019 trước khi có dịch COVID-19.

Vận tải hàng không sẽ quay về mức 70 - 75% so với giai đoạn năm 2019 trước khi có dịch COVID-19.

Trong khi đó, Chứng khoán BIDV nhận định một trong những điều kiện quan trọng giúp ngành hàng không phục hồi là tỷ lệ tiêm chung cao. Đến ngày 21/1, gần 81% dân số Việt Nam được tiêm ít nhất một mũi, trong đó 70% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đã đạt 100% dân số tiêm ít nhất một mũi.

Tại các quốc gia lân cận, nơi phần lớn các hãng hàng không Việt Nam khai thác đường bay quốc tế, tỷ lệ tiêm chung cao cũng ở mức cao. Cụ thể, tỷ lệ tiêm chủng đủ hai liều ở Hàn Quốc là hơn 84%, Nhật Bản là 79%. Trên cơ sở này, hộ chiếu vaccine sẽ là thẻ thông hành giúp đưa ngành hàng không Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới. 

>>>Vận tải hàng không nỗ lực phục hồi sau “bão dịch”

>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phục vụ Tết Nguyên đán tại sân bay Nội Bài

 Nền tảng cho doanh nghiệp trong nước phục hồi

Đặc biệt, để thị trường khôi phục và phát triển bền vững hậu Covid-19, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết doanh nghiệp ngành hàng không hy vọng Chính phủ và các cơ quan nhà nước liên quan tiếp tục có những chính sách mới kịp thời và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, tạo đà hỗ trợ các doanh nghiệp, hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19".

Theo đó, việc cấp phép các hãng hàng không mới cần xem xét kỹ lưỡng. Cấp đăng ký tàu bay bổ sung cũng phải phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng tại các cảng hàng không và tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh cũng như hạn chế cạnh tranh thừa tải cung ứng trong giai đoạn phục hồi ban đầu.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng cần đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không có trọng điểm, đảm bảo triển vọng tích cực trong dài hạn, để tháo gỡ nút thắt về thiếu công suất và các sân bay mới được phát triển cho đến năm 2030. Một số công trình trọng điểm đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng các kịch bản khác nhau để tiên lượng khó khăn, chuẩn bị nguồn lực và linh hoạt điều chỉnh hoạt động. Tùy vào mỗi kịch bản, tốc độ phát triển mạng bay, đội bay sẽ khác nhau nhưng sẽ bám sát các định hướng chiến lược là đạt mục tiêu thị phần vận tải hành khách của Vietnam Airlines Group 23%-25% tại thị trường quốc tế và hơn 50% tại thị trường nội địa.

Đặc biệt, năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm hãng đẩy mạnh chuyển đổi số để vừa bắt kịp xu hướng phát triển, vừa đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nhiệm vụ trước mắt của hãng là tiếp tục tiên phong, chủ động báo cáo, phối hợp các cơ quan nhà nước để xây dựng chính sách mở cửa thị trường và giải pháp phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng mở lại các đường bay khi được phép trên tinh thần linh hoạt điều hành, vừa bảo đảm an toàn khai thác, vừa góp phần khôi phục nền kinh tế, xã hội của đất nước.

Có thể bạn quan tâm

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Mua trước trả sau "lan" sang hàng không

    04:08, 30/01/2022

  • Vận tải hàng không nỗ lực phục hồi sau “bão dịch”

    03:30, 30/01/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phục vụ Tết Nguyên đán tại sân bay Nội Bài

    22:11, 25/01/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kiên quyết thay thế nhà thầu yếu kém, thi công chậm tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành

    20:10, 24/01/2022

THY HẰNG