Đề xuất “nới” trần giờ làm thêm: Doanh nghiệp chỉ mừng một nửa!

THY HẰNG 08/03/2022 04:18

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đề xuất “nới” trần giờ làm thêm lần này doanh nghiệp chỉ mừng một nửa.

>>>“Bỏ trần” giờ làm thêm và giới hạn năng suất lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về một chính sách khác luật. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa kiến nghị nâng mức trần giờ làm thêm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa kiến nghị nâng mức trần giờ làm thêm lên 72 giờ/tháng và 300 giờ/năm cho tất cả ngành nghề, lĩnh vực.

Theo đó, số giờ làm thêm tối đa trong tháng được đề xuất tăng lên 72 giờ thay vì 40 giờ như hiện nay, mức trần 300 giờ làm thêm trong năm được áp dụng cho tất cả ngành nghề, do chủ sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận.

Trước mắt, chính sách dự kiến áp dụng tới 31/12/2022. Tùy tình hình thực tế nếu cần thiết kéo dài thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, khóa XV vào tháng 10/2022.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng cần thiết tăng giờ làm thêm, bởi đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm, đặc biệt là đợt dịch thứ tư làm đứt gãy sản xuất, doanh nghiệp thiếu hụt lao động, nhất là cuối năm. Nhiều công ty vừa chống dịch, vừa sản xuất và phải chịu nhiều chi phí như xét nghiệm, ba tại chỗ, một cung đường hai điểm đến.

Các doanh nghiệp dệt may, da giày giảm sút 30-50% lao động... trong khi vẫn cần đảm bảo đơn hàng. Nếu không có chính sách để doanh nghiệp phục hồi dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế tốt hơn.

"Nhiều doanh nghiệp lẫn người lao động mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian ngừng việc, với nhu cầu làm thêm trên 40 giờ mỗi tháng và từ trên 200 giờ đến 300 giờ mỗi năm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc", tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu.

không chỉ ngành dệt may, thuỷ sản, mà các ngành hàng như Da giày, Điện tử, Hiệp hội doanh nghiệp NHật Bản, Amcham, Eurocham... đều chung một quan điểm cần tăng trần giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm.

Không chỉ ngành dệt may, các ngành hàng như điện tử cũng đều chung một quan điểm cần tăng trần giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm.

Trao đổi với DĐDN, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đề xuất “nới” trần giờ làm thêm lần này doanh nghiệp chỉ mừng một nửa. Bởi theo Phó Chủ tịch VITAS, đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng là phù hợp. 

“Tuy nhiên, việc vẫn khống chế không quá 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề thì chưa hợp lý. Thực tế luật hiện hành đã cho phép những ngành đặc thù như dệt may, da giày, chế biến thủy, hải sản… được làm thêm đến 300 giờ/năm”, ông Trương Văn Cẩm cho biết.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất, “nới” trần giờ làm thêm theo năm. “Các ngành, lĩnh vực nào luật quy định không quá 200 giờ/năm thì nâng lên 300 giờ, còn các ngành đặc thù đang quy định 300 giờ/năm thì nâng lên 400 giờ/năm”, Phó Chủ tịch VITAS kiến nghị.

>>>Giới hạn số giờ làm thêm: Doanh nghiệp đề xuất nới khung lên 400 giờ/năm

>>>Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động: "Chốt" giữ giờ làm việc bình thường, tăng giờ làm thêm với ngành nghề đặc biệt

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến hết năm 2023 như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, thay vì chỉ hết năm 2022 như đề xuất của Bộ LĐTB&XH.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản cũng chia sẻ, sau thời gian dài giãn cách, nhiều doanh nghiệp khi mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rất lớn, phải bố trí làm ngoài giờ.

“Do đó, đề nghị cho phép doanh nghiệp không bị hạn chế làm thêm giờ theo tháng và nâng mức làm thêm giờ theo năm từ 300 giờ lên 400 giờ/năm với doanh nghiệp thuỷ sản”, đại diện doanh nghiệp thuỷ sản của Hậu Giang kiến nghị.

Trên thực tế, tại các cuộc họp bàn lấy ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề trần giờ làm thêm, không chỉ ngành dệt may, thuỷ sản, mà các ngành hàng như Da giày, Điện tử, Hiệp hội doanh nghiệp NHật Bản, Amcham, Eurocham... đều chung một quan điểm cần tăng trần giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm.

Trên thực tế, đề xuất nới trần giờ làm thêm đã từng được đưa ra tại lần sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2019 và nhận được nhiều chiều ý kiến khác nhau. Nay đại dịch Covid-19 một lần nữa đặt ra yêu cầu về việc xem xét nới trần giờ làm thêm tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch.

Có thể bạn quan tâm

  • Giới hạn số giờ làm thêm: Doanh nghiệp đề xuất nới khung lên 400 giờ/năm

    11:30, 30/09/2021

  • Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động: "Chốt" giữ giờ làm việc bình thường, tăng giờ làm thêm với ngành nghề đặc biệt

    09:01, 20/11/2019

  • Tăng giờ làm thêm tự nguyện ở mức 400 giờ/năm với một số ngành đặc thù

    07:57, 07/11/2019

  • Hãy để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận giờ làm thêm

    11:00, 28/10/2019

THY HẰNG