Sớm cấu trúc lại thị trường tài chính Việt Nam

DIỄM NGỌC 08/10/2022 10:47

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, vấn đề cần được quan tâm, thay đổi hiện nay là cấu trúc thể chế, bao gồm cấu trúc lại thị trường tài chính Việt Nam và giải ngân đầu tư công một cách quyết liệt.

>>Quyết sách đúng đắn từ Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

Tinh thần lắng nghe doanh nghiệp

Chia sẻ tại Toạ đàm “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó” tổ chức ngày 8/10, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Phạm Tấn Công cho biết, đến nay đã tròn một năm Nghị quyết 128/NQ-CP 2021 ra đời, là một năm hết sức khó khăn chống lại đại dịch. Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp rất cảm ơn Chính phủ, khi Chính phủ đã cầu thị, lắng nghe, quyết liệt và kịp thời chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh đó là tinh thần lắng nghe doanh nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, Thủ tướng đã liên tục có các cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh, cho ra các quyết sách kịp thời

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công (bên trái) nhấn mạnh tinh thần lắng nghe doanh nghiệp của Chính phủ, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, Thủ tướng đã liên tục có các cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, cho ra các quyết sách kịp thời.

Đây đều là những nỗ lực tuyệt vời với sự cố gắng vượt khó, khi chúng ta đã thấy một Chính phủ “tả xung hữu đột”, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã lăn xả kịp thời, có những quyết sách để gỡ khó cho doanh nghiệp, ban hành đúng và trúng các vấn đề. Đồng thời còn là sự sáng tạo với các giải pháp chưa từng có tiền lệ, cả Chính phủ cũng như doanh nghiệp kịp thời biến nguy thành cơ một cách thành công, đưa nền kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp phục hồi và phát triển nhanh sau khi kiểm soát được đại dịch.

“Một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh đó là tinh thần lắng nghe doanh nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, Thủ tướng đã liên tục có các cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh, cho ra các quyết sách kịp thời. Từ đó đã giúp bảo toàn năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam không bị đổ vỡ quá nhiều, giúp doanh nghiệp mau chóng phục hồi, hỗ trợ người lao động, đào tạo lại nguồn nhân lực trong doanh nghiệp và có các chính sách về miễn, giảm thuế,...

"Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy lộ ra những khoảng trống, thì doanh nghiệp Việt Nam đã kịp thời điền vào chỗ trống, giúp tăng trưởng xuất khẩu mà điển hình là kết quả tăng trưởng quý 3/2023 rất tốt”, Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Với những chia sẻ trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng tình và bổ sung thêm rằng, chúng ta nên lưu ý Nghị quyết 128 được ban hành không chỉ hướng đến mục tiêu phục hồi mà còn cao hơn đó là phát triển.

Trong khi nhiều nước chỉ hỗ trợ phục hồi, nhưng Việt Nam, mặc dù “sức khoẻ” còn yếu song đã vẫn nỗ lực thúc đẩy phát triển, điều đó nói lên quyết tâm rất cao của Chính phủ và khát vọng phát triển của đất nước, nhân cơ hội này bứt phá.

>>Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chống dịch và phát triển kinh tế

Cấu trúc nền kinh tế

PGS.TS. Trần Đình Thiên bày tỏ: “Tôi đánh giá rất cao chủ trương của Chính phủ mặc dù việc thực hiện còn khó khăn, qua đó có thể tóm lại một số vấn đề như sau: Thứ nhất, chống dịch phải là ưu tiên hàng đầu vì dịch bệnh nguy hiểm và đó còn là câu chuyện sinh tồn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một vấn đề ít được chú ý là cách tổ chức nền kinh tế trong đại dịch bị đứt gãy, bảo đảm nền kinh tế thông mạch.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế

PGS.TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế

Thứ hai, là phải bảo đảm thông tiền cho nền kinh tế, đó cũng là điều kiện sống còn và đến năm 2021, Chính phủ đã rút ra bài học một cách thấm thía để đảm bảo được cả hai việc này”.

Vị chuyên gia cũng đề cập đến một vấn đề cần được quan tâm, thay đổi hiện nay là cấu trúc thể chế. Trong các cuộc họp Chính phủ gần đây đã đặt ra vấn đề cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam, làm sao để tiền giải ngân đầu tư công có thể bơm ra nền kinh tế một cách quyết liệt.

Riêng về cấu trúc thị trường tài chính, đẩy gánh nặng này lên hệ thống ngân hàng là rất gay go, nên cần có giải pháp phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề còn phải thảo luận và chỉnh sửa để một mặt giữ cho nền kinh tế ổn định thì mới tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Ngoài ra, cách tiếp cận thể chế cho nền kinh tế công nghệ cao, thị trường khoa học công nghệ cũng được mang ra thảo luận lúc này, dù mới mang tính khởi động nhưng cũng cần được bàn sâu, có sự tham dự của doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn sẽ có giá trị thúc đẩy cao.

Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC bày tỏ, CMC có quan hệ đối tác với rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, hầu hết từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Có thể thấy, các chính sách biến động về tình hình tài chính vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến các nước từ đó ảnh hưởng gián tiếp tới doanh nghiệp Việt.

Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC

Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC

Ảnh hưởng rõ ràng hiện nay là biến động tỷ giá, khi Việt Nam có các hợp đồng dài hạn một năm, hai năm mà trước đó chưa có sự đề phòng. Việc tỷ giá thay đổi sẽ tác động trực tiếp trong ngắn hạn và nếu không có quản lý vĩ mô tốt, ổn định tỷ giá và lãi suất, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trong thời gian tới.

“Trong dài hạn, các doanh nghiệp cũng khó khăn hơn khi đưa ra các bài toán quyết định đầu tư với những chỉ số liên quan đến lãi suất, biến động tỷ giá. Có thể, khả năng quyết định đầu tư sẽ bị hạn chế rất nhiều, ảnh hưởng đến con đường đầu tư trong tương lai. Muốn vượt qua khó khăn này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của cả Chính phủ và các doanh nghiệp với nhau.

Có thể bạn quan tâm

  • Quyết sách đúng đắn từ Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

    09:38, 08/10/2022

  • Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chống dịch và phát triển kinh tế

    09:02, 26/09/2021

  • Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó: Nguồn vốn nào hậu COVID-19?

    05:00, 09/05/2020

  • Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó: Cần có Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái

    04:59, 09/05/2020

DIỄM NGỌC