Hải Dương: Tăng cường đối thoại gỡ vướng cho doanh nghiệp
Thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã có những hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Từ những cuộc đối thoại đã có nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh đã được giải quyết kịp thời.
>>>Hải Dương quyết tâm tăng trưởng kinh tế trên 9% năm 2023
Các kiến nghị được xử lý nhanh chóng
Từ những cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh đã được giải quyết kịp thời. Từ đây, niềm tin của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng được củng cố.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, vừa qua tỉnh Hải Dương đã đối thoại với 550 doanh nhân. Tại hội nghị, có tất cả các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tham dự. Lãnh đạo tỉnh sẽ lắng nghe ý kiến của các doanh nhân, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trả lời các ý kiến, kiến nghị chính đáng của doanh nhân. Lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo để giải quyết các nội dung mà doanh nhân đề xuất tại hội nghị sau khi nghe giải trình của các sở, ban, ngành liên quan. Đối với những vấn đề chưa được giải quyết ngay tại hội nghị, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trả lời bằng văn bản sau đó.
Được biết, trước đó tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam ở khu công nghiệp Phú Thái (Kim Thành) phản ánh cạnh khu công nghiệp có bãi rác lớn, hằng ngày đốt âm ỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân. Trước kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh cam kết ngay sau hội nghị sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để chuyển rác về nhà máy ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) xử lý.
Theo bà Đặng Thị Quyên - Giám đốc Hành chính-Nhân sự Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam, đơn vị hài lòng với cách giải quyết vướng mắc của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn của tỉnh. Việc tháo gỡ nhanh chóng, kịp thời vấn đề bất cập khiến doanh nghiệp thấy an tâm sản xuất, kinh doanh và tin tưởng vào năng lực điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành.
Sau khi tiếp nhận kiến nghị của Công ty CP Chế biến thực phẩm Viways tại Câu lạc bộ Cà phê doanh nhân vào cuối năm 2017, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy đã xuống kiểm tra tình hình thực tế và yêu cầu các cấp, ngành đồng hành, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đất đai để được chấp thuận đầu tư, triển khai dự án.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Viways, dự án trang trại chăn nuôi, giết mổ gia cầm hữu cơ của đơn vị có tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng, thu hồi 19.000 m2 đất ở phường Chí Minh (Chí Linh). Thời gian đầu, do thực hiện các thủ tục pháp lý chưa tốt nên Công ty lỡ không ít cơ hội sản xuất, kinh doanh. Sau khi cơ quan chức năng hướng dẫn hoàn thành các thủ tục, nghĩa vụ, dự án đi vào hoạt động suôn sẻ hơn.
Khi nhận được ý kiến phản ánh của doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền (Cẩm Giàng) về tình trạng đường đi từ quốc lộ 5 vào khu công nghiệp bất cập, nhiều phương tiện qua lại, gây khó khăn, các cơ quan, đơn vị đã quyết liệt vào cuộc tháo gỡ. Chủ trương xây dựng đường gom khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền đã có từ lâu song do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên dự án bị trì hoãn. Đến năm 2021, trước yêu cầu cấp thiết phục vụ giao thông và đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp, dự án được khởi động lại, theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2022.
Những minh chứng kể trên cho thấy nỗ lực của các cấp, ngành trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặc dù vẫn tồn tại một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để nhưng động thái tích cực, nhất là những chỉ đạo nóng, trực tiếp đã tạo dựng niềm tin vào bộ máy lãnh đạo năng động, thiện chí, sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Kỳ vọng
Theo ông Nguyễn Bá Vinh - Giám đốc Công ty Hưng Phát DH, ở Cẩm Giàng, Hải Dương hoạt động về lĩnh vực bao bì caton và chế biến nông sản chia sẻ, dự án của chúng tôi về phần giải phóng mặt bằng, tài chính, thuế với nhà nước đã xong nhiều năm nay, theo như nghị định cũ chỉ tiến hành thu hồi đất, giao đất, làm hợp đồng thuê đất cho doanh nghiệp là xong.
Nhưng đến nay dự án vẫn “án binh, bất động” doanh nghiệp đã làm văn bản đề nghị gửi UBND tỉnh và các Sở ngành hướng dẫn, trả lời cho doanh nghiệp các bước làm tiếp theo đến nay vẫn không có ý kiến gì, doanh nghiệp cứ chờ nhưng không biết chờ đến lúc nào. Doanh nghiệp hiện nay rất vất vả, vốn vay ngân hàng đầu tư vào dự án phải trả lãi, đất đai để lãng phí nhà nước không cho hoạt động dẫn đến thất thoát nguồn thu, công nhân chờ đợi không có việc làm….
Mặc dù đã được các sở, ngành tháo gỡ khó khăn song đến nay Công ty CP Chế biến thực phẩm Viways vẫn vướng giải phóng mặt bằng 1 hộ dân với diện tích 600 m2 làm ảnh hưởng tới việc xây dựng trang trại, xưởng sơ chế, chế biến của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc doanh nghiệp nêu ý kiến: “Khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP Chí Linh, chúng tôi đã đồng hành cùng chính quyền và người dân giải cứu gia cầm. Các cơ quan, đơn vị cũng tạo điều kiện để dự án sớm đi vào hoạt động. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được tháo gỡ triệt để vướng mắc để an tâm sản xuất, kinh doanh”.
Anh Lưu Văn Khanh, Giám đốc Công ty CP Thịnh Phát MB (Cẩm Giàng) đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Công ty của anh Khanh chuyên cung cấp dịch vụ cung ứng lao động nhưng đang vấp phải cạnh tranh thiếu lành mạnh bởi các đơn vị “cò mồi” hoạt động chui. Theo anh Khanh, nếu để những cơ sở kinh doanh trái phép lộng hành không những gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng. Vì vậy, cần phải có chế tài xử lý triệt để tình trạng trên, làm lành mạnh môi trường kinh doanh.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Tỉnh Hải Dương sẽ luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp. Đây là cam kết của lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp nhân của tỉnh. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh tiếp tục tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như trực tiếp tháo gỡ vướng mắc đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sẫm – Bí thư huyện Tứ Kỳ: Để hỗ trợ các doanh nghiệp, vừa qua huyện đã thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Sẫm, Tổ tư vấn sẽ do Bí thư huyện ủy làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ là hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp đầu tư tại Tứ Kỳ cũng như tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Được biết, toàn tỉnh có khoảng gần 16.500 doanh nghiệp (nếu tính cả các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp thì có trên 19.100 doanh nghiệp). Huyện Tứ Kỳ có gần 60 doanh nghiệp quy mô lớn đang hoạt động với khoảng 27.000 lao động.
Theo ông Lê Văn Hưng – Giám đốc Công ty Thương mại Hùng Cường chia sẻ: Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là góp phần quyết định tăng ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng vào đổi mới chất lượng điều hành và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tới các lãnh đạo địa phương cần quan tâm hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhanh và hiệu quả hơn.
Trong điều kiện doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều bất lợi như hiện nay, chia sẻ của các cấp, ngành sẽ là liều thuốc tinh thần để doanh nghiệp vững tay chèo. Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh khẳng định khi các bên thẳng thắn trao đổi, thực hiện đúng cam kết, mọi vướng mắc sẽ dần được tháo gỡ. Môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp sẽ ngày càng ổn định, vững chắc.
Có thể bạn quan tâm