Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo
Thủ tục hành chính được Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược với phương châm cải cách phải luôn hướng đến hiệu quả thực tế, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo.
>>>Quảng Ninh: Quyết tâm trở thành điển hình trong chuyển đổi số
Lấy TTHC làm thước đo chấm DDCI
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Năm 2022, Bộ chỉ số DDCI được khảo sát, đánh giá, bổ sung 3 nội dung quan trọng là: Cập nhật, điều chỉnh bộ chỉ số để tương thích với những điểm mới trong bộ chỉ số PCI cấp tỉnh; bổ sung khảo sát những khó khăn và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; bổ sung khảo sát về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của khối sở, ngành và khối địa phương.
Đến nay, Bộ Chỉ số DDCI đánh giá 8 chỉ số thành phần, với 58 chỉ tiêu (tăng 1 chỉ tiêu so với năm 2021) đối với khối sở, ban, ngành; đánh giá 9 chỉ số, 76 chỉ tiêu (tăng 10 chỉ tiêu so với năm 2021) đối với khối địa phương. Phương pháp khảo sát được triển khai gần như hoàn toàn trực tuyến, thay thế cho phương pháp khảo sát qua đường bưu điện như những năm trước đây.
Kết quả DDCI Quảng Ninh 2022 dựa trên sự tổng hợp ý kiến của 1.707 doanh nghiệp, trong đó 610 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương; 1.097 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành. Tỷ lệ hồi đáp của các doanh nghiệp đạt 28,5% trên tổng số 6.000 doanh nghiệp. Kết quả xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2022 ghi nhận Cục Hải quan tỉnh duy trì vị trí quán quân năm thứ hai liên tiếp và sự vươn lên ngoạn mục của TP Móng Cái.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Chỉ số DDCI được tỉnh Quảng Ninh xác định là một công cụ quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua 8 năm triển khai, từ năm 2015 đến năm 2022, Bộ Chỉ số DDCI đã cung cấp những thông tin quan trọng từ những đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ninh đưa ra những chương trình hành động, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp; giúp thúc đẩy thi đua, cạnh tranh giữa các sở, ban, ngành và giữa các địa phương trong việc cải thiện năng lực điều hành, qua đó góp phần tiếp tục giữ vị trí quán quân về cải cách hành chính và môi trường kinh doanh những năm qua.
Trên 98% doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá rất cao tính công khai, minh bạch về yêu cầu thành phần hồ sơ và phí, lệ phí giải quyết TTHC của tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về công tác giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục đạt mức rất cao, trên 90% cho tất cả các công đoạn. Tỷ lệ không hài lòng chỉ chiếm 1-3% (giảm từ 2-7% so với năm 2021)...
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Nhìn chung, tỷ lệ doanh nghiệp rất hài lòng và hài lòng về việc phục vụ khi thực hiện TTHC tại các địa phương đều ở mức rất cao, từ 94% đến 99% cho tất cả các công đoạn. Tuy vậy, kết quả đánh giá cũng cho thấy một số vấn đề các địa phương cần nhanh chóng nhìn nhận và khắc phục để cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa công tác giải quyết TTHC. Điển hình như tỷ lệ “rất hài lòng” của khối địa phương hiện vẫn còn thấp hơn đáng kể so với khối sở, ban, ngành; cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa để mang lại chất lượng phục vụ hành chính tốt hơn.
Hay tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn phương thức trực tuyến để thực hiện các TTHC ở các cơ quan hành chính nhà nước cấp địa phương còn ở mức thấp; tỷ lệ doanh nghiệp phải điều chỉnh hồ sơ khi thực hiện TTHC còn ở mức cao; đồng thời, tỷ trọng thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra cho các công đoạn từ khâu nộp hồ sơ đến khâu nhận kết quả ở khối địa phương cũng khá lớn.
Lấy TTHC làm động lực nâng cao chất lượng phục vụ
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược với phương châm cải cách phải luôn hướng đến hiệu quả thực tế, lấy sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân làm thước đo.
Nhìn từ kết quả khảo sát đánh giá của doanh nghiệp về TTHC trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) của tỉnh năm 2022, có thể nhận thấy, nội dung quan trọng này đã và đang được coi trọng và triển khai thực hiện quyết liệt, hướng đến hiệu quả thực chất để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Được biết, năm 2022 là năm thứ 2 khảo sát DDCI triển khai đánh giá cụ thể chất lượng công tác giải quyết TTHC phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ở các sở, ban, ngành của tỉnh. Kết quả khảo sát đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận từ quyết tâm cải cách mạnh mẽ và thực chất được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện. Trên 98% doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá rất cao tính công khai, minh bạch về yêu cầu thành phần hồ sơ và phí, lệ phí giải quyết TTHC của tỉnh.
Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về công tác giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục đạt mức rất cao, trên 90% cho tất cả các công đoạn. Tỷ lệ không hài lòng chỉ chiếm 1-3% (giảm từ 2-7% so với năm 2021).
Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng cho thấy xu hướng doanh nghiệp coi phương thức trực tuyến là cách thức chính để tìm kiếm thông tin, chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ và nhận kết quả TTHC ngày càng gia tăng.
Tỷ lệ doanh nghiệp chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh năm 2022 giảm từ 55% xuống còn 37%; có 25% số doanh nghiệp gửi hồ sơ hoàn toàn trực tuyến; 29% số doanh nghiệp vừa gửi hồ sơ trực tuyến, vừa gửi hồ sơ giấy đến sở, ngành tỉnh.
Với công cuộc chuyển đổi số toàn diện được triển khai mạnh mẽ, nhất là trong công tác CCHC, các sở, ban, ngành của tỉnh đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp và có cơ sở để nhìn nhận, khai thác thêm những dư địa trong tiến trình cải cách.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh các kết quả tích cực, khảo sát cũng cho thấy nhiều vấn đề tồn tại, những điểm nghẽn trong công tác giải quyết TTHC ở các sở, ban, ngành. Điển hình như tỷ lệ doanh nghiệp phải điều chỉnh hồ sơ khi thực hiện TTHC vẫn còn lớn, dao động từ 13% đến 59% và chưa có sự cải thiện đáng kể so với năm 2021.
Cùng với đó, khảo sát cũng cho thấy dù phương thức nộp hồ sơ TTHC trực tuyến đã được sử dụng ngày càng nhiều nhưng cá biệt vẫn có hiện tượng “ngâm hồ sơ” thay vì bấm nút “Hồ sơ đã được chấp nhận” ngay trong ngày hoặc trong 8 giờ làm việc...
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của tỉnh khi triển khai khảo sát và đánh giá thực chất chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, bên cạnh những kết quả tích cực, tỉnh đã trực tiếp chỉ rõ những điểm hạn chế, nêu tên rõ những sở, ban, ngành, địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và tích cực trong công tác cải cách.
Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy công tác CCHC ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh ngày càng mạnh mẽ, đi vào thực chất. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi chắc chắn sẽ ngày càng có thêm nhiều thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh trong công tác giải quyết TTHC. Từ đó tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trên mọi chặng đường phát triển.
Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: Để ồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, các ngành các cấp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức, triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện hạn chế, khuyết điểm, sớm ngăn chặn, phòng ngừa hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm