Giữ chân người lao động để giúp doanh nghiệp phát triển
Tình hình sụt giảm về đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tuy nhiên việc giữ chân người lao động còn lại vẫn là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển.
>>>Thái Bình: Nỗ lực trong công tác chuyển đổi số
Tài sản vô giá
Người lao động là vốn quý của mỗi doanh nghiệp. Ở Thái Bình, việc giữ chân người lao động luôn được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện quan tâm. Tổ chức công đoàn với vai trò cầu nối đã gắn kết người lao động với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.
Theo đại diện Công ty TNHH Sơn Hà (cụm công nghiệp Vũ Ninh): Công ty hiện có hơn 2.000 lao động, chuyên sản xuất hàng may thêu, quần áo xuất khẩu. Trong khó khăn chung của các doanh nghiệp may mặc, mặc dù đơn hàng giảm nhiều song Công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ) với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Công nhân Nguyễn Thị Hương PX may chia sẻ: Chúng tôi luôn được lãnh đạo và Công đoàn Công ty quan tâm, tạo điều kiện, được làm việc trong môi trường tốt, công việc ổn định. Các chế độ phúc lợi của Công ty rất tốt; mọi băn khoăn, vướng mắc của NLĐ luôn được Công ty giải quyết kịp thời.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga - đại diện Ban giám đốc Công ty TNHH Sơn Hà, mặc dù khó khăn song Công ty vẫn đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm duy trì công việc ổn định cho NLĐ. Ngoài việc thực hiện tốt các chế độ phúc lợi, để động viên NLĐ vượt qua khó khăn, thi đua lao động sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp và gắn bó với tổ chức công đoàn, Công ty chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”...
Thời gian tới, Ban giám đốc cùng với Công đoàn Công ty sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với NLĐ, động viên đoàn viên, NLĐ thực hiện tốt quy chế của Công ty cũng như các hoạt động do Công đoàn tổ chức.
Tại Công ty TNHH Mạnh La - Thái Thuận (xã Minh Quang), mặc dù mới được thành lập song Công đoàn Công ty đã phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới, trong nước. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, Công đoàn đã tham mưu lãnh đạo Công ty đưa ra nhiều kế hoạch, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm duy trì và ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho NLĐ.
Bà Trần Thị Huệ - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Công đoàn Công ty thành lập tháng 1/2023 với 517 đoàn viên, đến tháng 5/2023 tăng lên 680 đoàn viên, đạt 100%. Việc thành lập tổ chức công đoàn đã đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ cũng như sự phát triển của Công ty, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện đúng phương châm “Ở đâu có doanh nghiệp ở đó có tổ chức công đoàn”.
Theo anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Công ty TNHH Mạnh La - Thái Thuận, sau khi được tuyên truyền, tôi đã tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn bởi tôi hiểu rằng khi tham gia tổ chức công đoàn sẽ được bảo vệ, chăm lo và bảo đảm tốt hơn về quyền, lợi ích của NLĐ.
Giải pháp hỗ trợ
Theo lãnh đạo Liên đoàn lao động, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn đồng thời cũng là cầu nối truyền tải những mong muốn của NLĐ - đó là cách các tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; tăng cường chăm lo đời sống cho đoàn viên, NLĐ.
Liên đoàn LĐ huyện Kiến Xương cho biết: Trong quý I/2023, LĐLĐ huyện đã trao 624 suất quà cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; phân công cán bộ công đoàn chuyên trách đến các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, động viên NLĐ yên tâm sản xuất. Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật và quản lý nhà nước về BHXH cũng như việc thực hiện Luật Công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện phối hợp với BHXH huyện ký kết chương trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở khối hành chính sự nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp phối hợp với chủ sử dụng lao động tạo mọi điều kiện cho công nhân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2023 như thanh toán lương, chế độ nghỉ phép, chế độ BHXH..., đồng thời rà soát, sửa đổi, ký mới thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, LĐLĐ huyện còn chỉ đạo các công đoàn cơ sở phát động các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là các phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...
Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch LĐLĐ huyện Kiến Xương cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò cầu nối doanh nghiệp và NLĐ, thời gian tới, LĐLĐ huyện tiếp tục triển khai các hoạt động hướng về NLĐ, phối hợp chặt chẽ với chủ sử dụng lao động thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Chỉ đạo công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ và đối thoại định kỳ giữa NLĐ và người sử dụng lao động tại nơi làm việc. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.
Tiếp tục khảo sát, lập danh sách cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở để hỗ trợ kinh phí xây nhà mái ấm công đoàn. Tiếp tục tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, phấn đấu thành lập mới 5 công đoàn cơ sở với 1.500 đoàn viên trong năm 2023.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, NLĐ bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống, tỉnh Thái Bình đã nỗ lực tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, qua đó bảo đảm công ăn việc làm cho NLĐ, chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Thái Bình đã thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID -19. Bên cạnh việc tận dụng tối đa lợi thế sẵn có, chính quyền, doanh nghiệp và NLĐ tại Thái Bình đã, đang triển khai các giải pháp, chính sách giữ chân NLĐ để phát triển công nghiệp bền vững. Đồng thời, góp phần ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt nguồn lao động sản xuất trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm