KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cần sẵn sàng phương án đón người lao động trở lại

DIỄM NGỌC 25/09/2021 14:50

Theo kiến nghị của doanh nghiệp, Chính phủ cần tái cấu trúc lại toàn bộ lực lượng lao động, cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận động công nhân quay trở lại nhà máy trong tâm lý an toàn, ổn định.

LTS: Để chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng Doanh nghiệp dự kiến tổ chức vào thời gian tới, DĐDN đã tập hợp những kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.

Trong thời gian giãn cách do bùng phát dịch COVID-19, tại TP. HCM và một số tỉnh lân cận đã chứng kiến đợt di cư người lao động ồ ạt trở về địa phương. Đến nay, nguồn lao động lại trở thành một bài toán khó, khi không thể vận động công nhân quay trở lại nhà máy, gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực và doanh nghiệp khó có cơ hội phục hồi.

Về vấn đề này, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn kiến nghị, đợt dịch vừa qua, với lực lượng lao động trở về quê khá lớn, thì Chính phủ nên có một chương trình tái cấu trúc lại lực lượng lao động. Cụ thể, không để lực lượng này đi về phía Nam nữa, nghĩa là không tập trung dàn trải ở các tỉnh phía Nam, mà tập trung vào đầu tư công ở những tỉnh, nơi tập trung nhiều lao động đang quay về Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và phát triển kinh tế ở đó, để họ ở lại.

Ông Trần Việt Anh

Ông Trần Việt Anh

Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải tổng hợp được rằng, trong suốt đợt dịch vừa rồi, dữ liệu về nguồn lao động này thành phố và y tế không có, trong khi lực lượng bị F0 rơi vào rất nhiều ở lực lượng lao động nhập cư, ở các xóm trọ với mật độ cao. Trong doanh nghiệp, chúng tôi gọi những người F0 khỏi bệnh là người tiêm vaccine mũi 3, nhưng gần như bây giờ họ rất sợ trở lại nhà máy. Hiện nay, chúng tôi chỉ vận động một ngày được 3 người, mà nhắc đến làm việc 3 tại chỗ là họ lắc đầu.

Qua sự việc này, ban quản lý trong doanh nghiệp họp lại đã không thành lập kế hoạch kinh doanh ngay mà thành lập kế hoạch truyền thông, công tác dân vận, năn nỉ để người lao động quay trở lại làm việc, vì họ vẫn đang có một sang chấn tâm lý rất lớn. Như vậy mới thấy, nếu hết 30/9, việc kêu người lao động quay trở lại là rất khó, nên đến giờ phút này, các doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động phải tái cấu trúc ngay lập tức, đặc biệt là phải có sự tác động từ Chính phủ, chính quyền địa phương hỗ trợ”, ông Việt Anh đề xuất.

Cũng theo ông Việt Anh, lực lượng lao động trong thời kỳ mới đối với doanh nghiệp, việc đầu tiên là phải có phòng y tế không mang tính hình thức, mà phải có tiêu chuẩn phòng chống dịch cụ thể, phải có bình oxy, test nhanh chuyên nghiệp để tạo tâm lý yên tâm cho người lao động. Đến nay, nhiều người lao động hỏi rằng công ty có phòng y tế chưa và khu công nghiệp có bệnh viện dã chiến chưa? Trước nay, chưa từng có ai đặt ra các câu hỏi này mà chỉ hỏi lương, hỏi nhu yếu phẩm. Cho nên Hiệp hội khu công nghiệp, khu chế xuất có đề xuất làm bệnh viện, nếu có một bệnh viện dã chiến mini thì hàng nghìn lực lượng F0 của khu công nghiệp sẽ không bao giờ phải vào khu cách ly chiếm chỗ, gây quá tải như vừa qua.

Theo khảo sát thực tế trong cộng đồng, người lao động bây giờ rất khác trước kia chúng ta không thể dùng lương, dùng phúc lợi mà phải dùng sự an toàn và nhiều yếu tố khác đảm bảo tâm lý người lao động ổn định làm việc. Một điểm đáng chú ý là vừa qua, các F0 đều rơi vào doanh nghiệp Việt, trong khi tại Intel, một tháng họ bỏ ra 150 tỷ đồng, chỉ để phục vụ một cung đường hai điểm đến, hay như công ty CP của Thái Lan ở Đồng Nai cũng không bị F0, nghĩa là quy trình của họ rất chuẩn. Đây là điều mà bản thân những chủ doanh nghiệp phải học và cải thiện trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khuyến nghị, làm sao để đảm bảo an sinh cho người lao động, để họ có nơi ở, không phải sống trong khu ổ chuột, có không gian sống an toàn. Các địa phương cũng cần tái cấu trúc lại hết các vấn đề nơi ăn chốn ở, sinh sống cho người lao động. Dĩ nhiên không phải thực hiện trong 6 tháng, một năm mà con đường rất dài để thay đổi toàn bộ, góp phần hỗ trợ tái cấu trúc lại nền kinh tế của các doanh nghiệp.

Còn theo ông Phạm Văn Việt tổng giám đốc công ty Việt Thắng Jeans, với ngành dệt may, để phục hồi 100 % sẽ phải mất từ một năm rưỡi đến hai năm, vì vậy phải nhanh chóng có phương án đón người lao động quay trở lại TP.HCM. Nếu chúng ta kéo người lao động về, phải bố trí chỗ ăn, ở trong 14 ngày, sau đó xét nghiệm rồi mới được trở về với doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Việt

Ông Phạm Văn Việt

Vậy thành phố cần có cơ chế đón người lao động và hỗ trợ chúng tôi, nếu chỗ nào cho ở được 14 ngày sau đó sẽ đón vào doanh nghiệp, cần có những chính sách thu hút được người lao động và nếu chỉ doanh nghiệp đứng ra vận động sẽ ít có tác động, còn chính sách của thành phố mới quan trọng và có sức ảnh hưởng. Đặc biệt, cần có chính sách phân bổ ưu tiên vaccine cho các đối tượng là nhà máy ở khu vực trọng điểm phía Nam bao gồm 4 tỉnh Long An, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Việc tiêm vaccine này phải đảm bảo đến 31/12 được phủ toàn diện”, ông Việt nêu.

Có thể bạn quan tâm

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp cần các gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp

    14:26, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” cần linh hoạt

    13:20, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản gặp khó vì cước vận tải tăng

    12:31, 25/09/2021

DIỄM NGỌC