KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: “Sức khoẻ” doanh nghiệp suy kiệt
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, cùng nhìn lại bức tranh về tình hình kinh tế và đặc biệt là “sức khoẻ” của doanh nghiệp khi “thiếu máu”, cạn kiệt sức…
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, thể hiện qua một số chỉ số mang tính trụ cột của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ... bị giảm mạnh.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước…
Đáng lưu ý, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử, với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho thấy, hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp của ngành này tại các tỉnh thành phía Nam còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn để duy trì sản xuất vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lượng lao động, đặc biệt, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.
Với các doanh nghiệp ngành Gỗ, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có trên 50% doanh nghiệp ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản.
Theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp ở các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng được theo “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng ngừng sản xuất.
Có thể thấy, tác động của dịch COVID-19 đến tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp rất nghiêm trọng. Kết quả điều tra khảo sát do VCCI thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3000 doanh nghiệp cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 20203.
Cụ thể, trong khảo sát năm 2021 có khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của COVID-19 “phần lớn là tiêu cực” và 34% doanh nghiệp nhận định COVID-19 tác động “hoàn toàn tiêu cực” - gấp đôi so với mức 15% của năm 2020. Chỉ có khoảng 4% cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển.
Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều đối diện khó khăn gây ra bởi dịch bệnh. Dịch COVID-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp trong nhiều ngành như giáo dục đào tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, y tế và trợ giúp xã hội... với gần 100% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực. Nhìn chung, đây là những ngành thường xuyên đòi hỏi sự giao tiếp trực tiếp hoặc liên quan đến sự di chuyển của con người.
Dịch bệnh kéo dài trong gần hai năm qua khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ trên nhiều khía cạnh như duy trì lực lượng lao động, giữ ổn định chuỗi giá trị, và đảm bảo khả năng tăng trưởng doanh thu.
Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tình trạng này tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động. Giá trị này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.
Về chuỗi giá trị, trung bình có 96,2% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong đó, đại dịch khiến khoảng 61,8% doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, dịch bệnh gây đình đốn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khiến việc quản lý tài sản, dòng tiền trở thành một thách thức lớn. 57,6% doanh nghiệp gặp phải khó khăn này.
Bên cạnh đó, việc triển khai các biện pháp giãn cách xã hội đòi hỏi doanh nghiệp phải tổ chức lại mô hình làm việc và duy trì trong một thời gian dài tình trạng làm việc từ xa. Chính vì thế, khoảng 57,2% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong quản lý nhân sự trong thời kỳ dịch bệnh. Tương tự, dịch bệnh trên toàn cầu gây ra trở ngại lớn về duy trì chuỗi cung ứng với 51,4% doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Về doanh thu, đại dịch COVID-19 kéo dài khiến 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020. Đáng lưu ý, 93% doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội (chẳng hạn các bệnh viện tư, các trung tâm chăm sóc, điều dưỡng) báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 (năm thứ hai xảy ra dịch bệnh) bị sụt giảm so với năm 2020 (năm dịch bệnh thứ nhất). Tương tự, 87,5% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống dự kiến sự sụt giảm doanh thu. Các ngành khác cũng có doanh thu giảm mạnh, với tỷ lệ doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu dao động trong khoảng từ 45,9% đến 87%.
Đặc biệt, làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã nhanh chóng lan ra 40 tỉnh, thành phố, trong đó có cả các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như Tp. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình đốn.
Sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp sụt giảm kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc. Thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất to lớn. Nếu các doanh nghiệp bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản doanh nghiệp sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải rút khỏi thị trường. Trường hợp đó sẽ dẫn tới đình đốn ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, kéo theo đó là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu ngân sách nhà nước. Những vấn đề về thất nghiệp, gánh nặng chi an sinh xã hội của Nhà nước sẽ gia tăng đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp cần các gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp
15:00, 25/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đồng bộ giải pháp “tái mở cửa” nền kinh tế
15:00, 25/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cần sẵn sàng phương án đón người lao động trở lại
14:50, 25/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” cần linh hoạt
13:20, 25/09/2021