THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: “Không để một người nhiễm F0 mà phong toả cả làng”
Đây là ý kiến của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, cùng với đó, không để thêm các giấy phép con, các thủ tục hành chính phát sinh thêm chi phí và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, sáng 26/9, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận, chúng ta phải mở cửa để tái khởi động nền kinh tế, kinh doanh an toàn nhưng phải sống chung với COVID-19. Đây là xu thế chung của toàn thế giới nên Việt Nam không thể ngoài cuộc.
"Sức chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế đã đạt giới hạn. Các biện pháp giãn cách xã hội tại địa phương để chống dịch, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn. Doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn, nhất là khu vực doanh nghiệp dịch vụ (trừ ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm). Thậm chí, họ không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu không có biện pháp bứt phá hỗ trợ”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nhìn lại các chính sách chống dịch và điều hành kinh tế trong thời gian qua, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh chúng ta đã có những thay đổi quan điểm rất là quan trọng trong chống dịch và phát triển kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực, là cơ sở để Chính phủ nới lỏng giãn cách, phục hồi sản xuất kinh doanh, mở cửa nền kinh tế.
Về vấn đề sống chung với dịch, theo TS Vũ Tiến Lộc, các giải pháp để sống chung có “muôn hình vạn trạng”, có thể áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, giấy thông hành xanh, cùng với việc đưa ra cẩm nang hướng dẫn về kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, cho phép lưu thông hàng hóa không thuộc danh mục cấm…
“Chúng ta, không thể để một người nhiễm F0 mà phong toả cả làng. Cùng với đó, chúng ta không để thêm các giấy phép con, các thủ tục hành chính để phát sinh thêm chi phí và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính phủ cần lấy chỉ tiêu thực hiện “mục tiêu kép” để khen chê các địa phương, cán bộ các cấp, không nên chỉ lấy mỗi thành quả chống dịch. Hơn nữa, cần nghiêm cấm các địa phương có các quy định cực đoan, gây cản trở cho hoạt động dân sinh và kinh doanh…”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Do đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian tới, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc đề nghị lấy ý kiến doanh nghiệp xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn chung cho doanh nghiệp chứ không để các hướng dẫn nhiều như hiện nay, trăm hoa đua nở, khó thực hiện, khó áp dụng như hiện nay.
“Cùng với đó, tôi cũng kiến nghị tái cấu trúc lại Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương, thủ tướng giao nhiệm vụ kép cho bộ ngành địa phương vừa phòng dịch vừa giao nhiệm vụ khôi phục sản xuất kinh doanh”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tới niềm tin và sự “chung thủy” của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, đây là hành động thiết thực để cùng cả nước bảo vệ nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chính lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng Chính phủ cần có thêm những hành động thiết thực về môi trường kinh doanh, pháp lý cho hoạt động đầu tư… để thúc đẩy và bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi đây vẫn là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giải pháp cứu trợ cấp bách trước mắt
09:50, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Chủ tịch VCCI đề xuất các chính sách hỗ trợ theo cấp độ và lộ trình
09:45, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: “Các giải pháp tại Nghị quyết 105 sẽ tháo gỡ vướng mắc hiệu quả”
09:40, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: “93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19”
09:25, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Quan điểm “chống dịch” và “phát triển kinh tế” trong Nghị quyết 105 là phù hợp
09:10, 26/09/2021
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chống dịch và phát triển kinh tế
09:02, 26/09/2021