KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: TP.HCM chờ quy định riêng mở cửa kinh tế
TP.HCM đã đề xuất Thủ tướng cho phép được áp dụng quy định riêng để có thể mở cửa nền kinh tế. 40% doanh nghiệp tại TP cho biết chỉ cầm cự được trong vòng 1 tháng sau chuỗi ngày giãn cách vừa qua.
Theo dự thảo mới nhất của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo), việc đánh giá nguy cơ của tỉnh, thành phố sẽ căn cứ trên một số chỉ số.
Các chỉ số bắt buộc gồm: Có ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.
Các tỉnh thành có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh, thành phố.
Các chỉ số phân loại cấp độ dịch, gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Từ đó, sẽ phân loại nguy cơ theo 4 cấp: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới); cấp 2 - nguy cơ trung bình; cấp 3 - nguy cơ cao và cấp 4 - nguy cơ rất cao. Tương ứng với từng cấp nguy cơ là các biện pháp hành chính, y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.
Trước dự thảo mới nhất này và căn cứ điều kiện đặc thù của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép áp dụng quy định riêng do Thủ tướng Chính phủ quyết định để mở cửa nền kinh tế.
Ông cũng đề nghị ưu tiên vaccine cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của Dự thảo.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho biết về việc từng bước mở cửa kinh tế, quan điểm của TP vẫn là theo định hướng, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là vướng tiêu chí ít nhất 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine trong Dự thảo của Ban chỉ đạo.
"Ngay tiêu chí này là TP đã không đạt. Không chỉ TP mà cả nước đều không đạt", ông Ngân nói và cho biết TP đã kiến nghị Trung ương được phân bổ vaccine để tiêm mũi hai cho người cao tuổi, người có bệnh nền và người đến hạn tiêm.
Ông cũng cho rằng TP.HCM là đô thị đặc biệt nên có thể cần một bộ tiêu chí đặc biệt cho TP.HCM cũng như Hà Nội.
40% doanh nghiệp chỉ cầm cự được trong 1 tháng
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng thông tin, TP.HCM đã nhất quán rằng bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân trong lúc này là trên hết, đồng thời, bảo vệ sức khỏe nền kinh tế. Việc bảo vệ sức khỏe nền kinh tế giúp TP có thêm năng lực về tài chính, bảo vệ sức khỏe người dân được tốt hơn.
"Nếu chúng ta tiếp tục giãn cách thì sang chấn tâm lý sẽ kéo dài, nên phải bảo vệ sức khỏe tinh thần người dân. Bảo đảm an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân cũng rất quan trọng", ông Trần Hoàng Ngân nói.
Cũng theo ông Ngân, bước đi tiếp theo của TP phải linh hoạt, mềm dẻo trên cơ sở an toàn.
Khảo sát nhanh của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM vào đầu tháng 9 cho biết, có đến 40% doanh nghiệp chỉ còn đủ nguồn lực hoạt động trong vòng 1 tháng. Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, trải qua 4 đợt dịch, nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không còn vốn để phục hồi sản xuất nhanh.
Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng ngày 26/9, ông Dũng mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương sớm công bố thông tin về chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí phòng chống dịch và kịch bản điều hành kinh tế - xã hội tương ứng với các tình huống để doanh nghiệp có đủ thông tin, chủ động điều chỉnh kế hoạch kịp thời, phù hợp.
Ông cũng kiến nghị ngành y tế xem xét, không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ, mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao, nhân sự mới để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, nên triển khai theo hướng đối với doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh, có đóng góp cao cho nền kinh tế thì cần tập trung hỗ trợ nhằm nâng hiệu quả của nền kinh tế, trở thành đầu tàu kéo doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp còn có khả năng phục hồi thì áp dụng chính sách để giảm số doanh nghiệp phá sản, chấm dứt sản xuất do tác động của dịch bệnh.
Đối với nhóm doanh nghiệp không thể quay lại sản xuất nữa thì cần chính sách hỗ trợ an sinh xã hội để doanh nghiệp và người lao động ổn định cuộc sống, chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất khác.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Hỗ trợ chi phí phát sinh cho doanh nghiệp khi thực hiện giãn cách
09:56, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Mở rộng phạm vi, quy mô hỗ trợ doanh nghiệp
09:41, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Gỡ vướng chính sách lãi vay và hoàn thuế GTGT của dự án BOT
08:30, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xem xét miễn, giảm tiền thuê đất
08:05, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xem xét miễn, giảm thuế
08:00, 27/09/2021