Cần “nhạc trưởng” dẫn dắt chuyển đổi số
Chuyển đổi số là con đường tất yếu của Việt Nam, do đó đòi hỏi phải có “nhạc trưởng” tập hợp các doanh nghiệp.
>>Nỗ lực xây dựng thành công cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định về chuyển đổi số là con đường tất yếu của Việt Nam.
- Chuyển đổi số được xem là bước ngoặt lịch sử mà cuộc Cách mạng 4.0 mang lại để Việt Nam bứt phá phát triển. Nhưng Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay bỏ lỡ, như đã xảy ra ở các cuộc Cách mạng công nghiệp lần trước, thưa ông?
Chuyển đổi số là thay đổi cả một phương thức kinh doanh, từ dữ liệu, nhân sự, tài sản, vật tư, thông tin... sang số hóa toàn bộ. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tiếp tục tập hợp trên data dữ liệu của mình để sử dụng vào mục sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phục vụ thị trường nội địa hoặc liên doanh, liên kết.
Chính phủ cũng đã đề ra, đó là có một bước đi cho kinh tế số, chính phủ số, doanh nghiệp số, xã hội số trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm tới. Nếu chúng ta không tận dụng được thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, như vậy sẽ rất “lãng phí”. Tuy nhiên, chuyển đổi số có 2 vấn đề.
Thứ nhất, với DNNVV năng lực, trình độ, nhân lực, cơ sở hạ tầng phần cứng về hạ tầng số, IT... còn rất khó khăn cùng với kinh phí ít ỏi. DNNVV phải có bước đi riêng, chúng ta cần chọn lĩnh vực số nào cần thiết nhất cho doanh nghiệp thì tiến hành dần để sau đó nhân rộng.
Thứ hai, với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có thể làm nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn ở tất cả các lĩnh vực. Từ nhân sự, quản trị doanh nghiệp cho đến trao đổi dữ liệu, xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết...
Như vậy, mỗi loại doanh nghiệp cần có những bước đi khác nhau. Và chuyển đổi số không chờ đợi bất kỳ một doanh nghiệp nào, nếu để mất cơ hội thì sẽ bị tụt hậu về năng suất lao động, thông tin thị trường, dữ liệu số, khách hàng mua và khách hàng bán...
Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy năng suất lao động của doanh nghiệp cao lên, giá thành hạ xuống, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tốt hơn. Do đó, nhận thức được chuyển đổi số là một chuyện, còn hành động với chuyển đổi số lại là vấn đề khác. Chính phủ đã có chương trình rất cụ thể cho từng bước đi trong chuyển đổi số.
Về phía doanh nghiệp cũng phải xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số cho mình một cách khoa học, chắc chắn tùy theo loại hình doanh nghiệp nhỏ hay lớn trong giai đoạn tới. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong chuyển đổi số, như phát triển công nghệ thông tin, hạ tầng có rất nhiều tiến bộ, có nhiều tập đoàn lớn có năng lực và thế mạnh tài chính, nhân lực, như FPT, Viettel, Vingroup, Vinamilk, Hòa Phát...
Với các doanh nghiệp nhỏ tuy có những khó khăn hơn nhưng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ bắt nhịp được với chuyển đổi số của khu vực, chúng ta phấn đấu đứng top đầu ASEAN về chuyển đổi số thì sẽ là một bước tiến rất tốt. Nếu chuyển đổi số được 70% cũng sẽ đem lại một bước tiến mới trong năng suất lao động, xây dựng thương hiệu, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới đây.
- Theo ông, Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ chuyển đổi số của khu vực và thế giới?
Đối với khu vực châu Á và ASEAN, Việt Nam đang đứng ở mức độ trung bình khá. Chúng ta đòi hỏi một bước cao hơn nữa thì phải có sự đầu tư về nhân lực, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, R&D, kết nối... Vừa qua Chính phủ kêu gọi phải kết nối, không để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” về dữ liệu thông tin, trừ thông tin mật. Đây là điều rất thuận lợi cho chuyển đổi số, nhưng cũng cần có thêm những chính sách để phát triển số, đặc biệt là cho DNNVV, vì các doanh nghiệp này hiện còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số.
Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ có một bước tiến xa, nhưng nếu kỳ vọng đứng đầu khu vực và nằm trong top đầu châu Á thì cũng cần phải có thêm thời gian mới có thể tiến kịp. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải làm ngay, khi làm sẽ “vỡ ra”, nhận biết được thêm rất nhiều điều trong vấn đề này. Điều không thể thiếu là nhận thức về sự cần thiết trong chuyển đổi số, không thể dừng lại vì nếu dừng lại là tụt hậu.
- Trong các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, theo ông, lĩnh vực nào đang dẫn đầu về chuyển đổi số và lĩnh vực nào đang chậm chân nhất?
Chuyển đổi số đi đầu tại những lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo thiết bị điện tử, công nghiệp xây dựng. Trong hệ thống thương mại cũng đã ứng dụng chuyển đổi số nhưng chỉ ở giai đoạn đầu, như mảng bán lẻ, bán buôn.
Hiện nay chuyển đổi số không đồng đều, nhưng đó là điều tất yếu. Cho nên chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp theo kịp trong giai đoạn 5 năm tới là hết sức quan trọng. Những doanh nghiệp nào đã thành công chuyển đổi số thì cần chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các doanh nghiệp đi sau. Thực tế, sự liên kết hỗ trợ nhau của các doanh nghiệp Việt Nam còn đang yếu, thiếu những “nhạc trưởng” chỉ huy trong việc trao đổi số, phát triển kinh tế số tại giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
- Với những cơ chế, chính sách hiện có, Chính phủ cần làm thêm gì để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, thưa ông?
Thứ nhất, Quốc hội và Chính phủ cần có sự phân công, phối hợp để đưa ra những chính sách về chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp hợp pháp, hợp hiến. Các chính sách, cơ chế chặt chẽ nhưng thông thoáng, cởi mở dễ tiến hành trong chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đặc biệt là thủ tục hành chính, trao đổi dữ liệu, liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp với nhau.
Thứ hai, có thể dùng ngân sách để hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp, không phải hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ thông qua xây dựng hạ tầng cứng, giảm lãi vay ngân hàng khi doanh nghiệp mua thiết bị máy móc phục vụ chuyển đổi số, giảm thuế phí...
Thứ ba, chuyển đổi số đòi hỏi nhà nước nước phải có “nhạc trưởng” tập hợp lại các doanh nghiệp, như hệ thống doanh nghiệp cùng hàng triệu doanh nghiệp từng bước đi lên theo kế hoạch trước mắt và lâu dài trong chuyển đổi số. Tiến độ đặt ra phải thật cụ thể để có đích phấn đấu trong từng giai đoạn. Đơn cử, đến năm 2025 chuyển đổi số sẽ đạt được ở mức độ nào trong kế hoạch đã đề ra, thay cho việc hô hào chung chung sẽ dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số không cao.
Thứ tư, vấn đề chuyển đổi số, kỹ thuật số, thương mại điện tử rất phức tạp, cho nên hành lang luật pháp phải rõ ràng, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương phải nghiêm minh, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, mạnh dạn chuyển đổi số. Nhưng cũng cần xử lý nghiêm những vi phạm như phá hoại mạng, cản trở chuyển đổi số quốc gia, doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
- Có nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số là quá trình rất tốn kém, cần đầu tư nhiều tiền bạc, do đó sẽ tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp, tổ chức muốn tham gia. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tỷ USD như Hàn Quốc, Nhật Bản... do đó rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, đặc biệt là cho các DNNVV để các doanh nghiệp cùng bám sát nhau đi lên trong chuyển đổi số trong giai đoạn tới.
Chúng ta không bao cấp, nhưng hỗ trợ trong phạm vi Việt Nam ký cam kết FTA với các nước mà có quyền làm được thì cần tiến hành triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp. Quan trọng là phải hỗ trợ đúng địa chỉ, hỗ trợ có hiệu quả, không bị phân tán hoặc sai địa chỉ, vì nếu hỗ trợ sai địa chỉ sẽ gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực, tài chính của nhà nước, và việc chuyển đổi số bị chậm lại.
- Để chuyển đổi số thành công thì nhân lực luôn là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng từ trước đến nay đây luôn là bài toán mà Việt Nam không thể giải nổi. Vậy theo ông, để có nhân sự chất lượng cao phục vụ cho quá trình chuyển đổi số thì chúng ta cần phải làm gì?
Con người là nhân tố quyết định, máy móc chỉ là một chuyện. Hiện nay chúng ta cũng đã “manh nha” có một số khu công nghệ cao, các trường đại học đã mở khoa đào tạo về công nghệ nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Rõ ràng, câu chuyện nhân lực cho chuyển đổi số cần phải đặt ra sớm để cung cấp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi xin lưu ý phải đào tạo trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp, không đào tạo đồng loạt hoặc chung chung như giai đoạn trước đây. Cần có những lớp đào tạo cấp tốc, chuyên sâu, lớp chuyển đổi số kỹ thuật cao cấp.
Vấn đề này thuộc trách nhiệm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, trên nữa là Chính phủ. Các bộ, ngành cần có sự phối hợp để tập trung nguồn nhân lực cho chuyển đổi số thành công. Máy móc hiện đại nhưng không có bàn tay, khối óc của con người, không có kỹ năng điều khiển thành thạo, có tâm, có đức thì việc chuyển đối số cũng mất hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số quốc gia của chúng ta.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nỗ lực xây dựng thành công cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
20:05, 18/01/2022
Chuyển đổi số vẫn vướng hàng rào… thể chế
04:40, 17/01/2022
Đà Nẵng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay trong "sân chơi" chuyển đổi số
12:08, 15/01/2022
Co-opBank quyết tâm chuyển đổi số toàn diện
10:30, 11/01/2022
Ưu tiên đầu tư hạ tầng chuyển đổi số trong chương trình phục hồi kinh tế
05:30, 10/01/2022
Hưởng ứng Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, BIDV miễn toàn bộ phí trên kênh số
13:21, 09/01/2022