FPT “kích cầu” để Hưng Yên chuyển đổi số
FPT mong muốn đồng hành, đưa Hưng Yên trở thành đô thị công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao và đạt được những dấu ấn về chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển kinh tế số.
>>>Hải Phòng: Các KCN chuyển đổi số để thu hút đầu tư
Đó là khẳng định của lãnh đạo Tập đoàn FPT tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về định hướng hợp tác chiến lược trong đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo liên cấp chất lượng cao và tư vấn chiến lược.
Đồng hành
Tại Hưng Yên, FPT sẽ đầu tư xây dựng trường phổ thông liên cấp chất lượng cao FPT dành cho học sinh 3 cấp, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chương trình học gồm chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 5 khối chương trình đào tạo chất lượng cao là tiếng Anh, STEM, công nghệ thông tin, các môn học thuật bổ sung, phát triển cá nhân.
Dự án sẽ mang lại nguồn học sinh chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu vào cho các trường đại học, nhu cầu nhân lực cho chiến lược phát triển kinh tế bền vững tại Hưng Yên. Đồng thời, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị, tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp ngân sách cho tỉnh.
Ông Trương Gia Bình- Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, với định hướng hợp tác chiến lược về đào tạo và chuyển đổi số, FPT kỳ vọng mang đến Hưng Yên - Phố Hiến ánh sáng của kỷ nguyên số, giúp nâng cao đời sống của người dân.
Về phía tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch UBND tỉnh ông Trần Quốc Văn cho biết, cùng với việc tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị…, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực. Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng đánh giá cao đề xuất đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đào tạo của FPT trên địa bàn tỉnh và khẳng định sẽ đồng hành cùng Tập đoàn để sớm hiện thực hóa các đề xuất.
Về chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng nhấn mạnh hai bên cần xây dựng lộ trình cụ thể và lựa chọn lĩnh vực triển khai có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh.
Với vị thế là tập đoàn công nghệ tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giàu kinh nghiệm tư vấn, triển khai các dự án chuyển đổi số, lãnh đạo Tập đoàn FPT cũng cam kết đảm bảo nguồn lực cao nhất, đội ngũ chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm tốt nhất và các nền tảng, giải pháp công nghệ tiên tiến giúp Hưng Yên phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là kinh tế số. Tập đoàn sẽ chú trọng vào các lĩnh vực có tính khả thi cao, theo đúng chủ trương và mong muốn của tỉnh để sớm có những đóng góp thiết thực nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT chia sẻ, với năng lực công nghệ và đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, Tập đoàn mong muốn giúp Hưng Yên “trẻ hóa” cả về nguồn nhân lực và phát triển kinh tế xã hội. “FPT mong muốn đồng hành đưa Hưng Yên trở thành đô thị công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao và đạt được những dấu ấn về chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển kinh tế số”, ông Khoa nhấn mạnh.
FPT tiên phong chuyển đổi số
>>Chuyển đổi số trong ngành du lịch
>>Khởi nghiệp chuyển đổi số
Cùng với Hưng Yên, FPT đã và đang đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cho hơn 40 tỉnh thành trên toàn quốc. Đầu năm 2022, FPT liên tục ký hợp tác chuyển đổi số với các địa phương, như: Quảng Ninh, Hải Dương, Khánh Hoà, Đăk Lăk… Thể hiện qua lượng đơn hàng ký mới và số dự án lớn mà đơn vị này ghi nhận, có thể thấy chuyển đổi số đang trở thành một trong những thị trường trọng tâm được FPT tập trung khai thác.
Tập đoàn công bố riêng con số doanh thu tới từ mảng hoạt động này, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Nửa đầu năm 2021, doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt 2.116 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ sau thêm 3 tháng, FPT công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cho thấy doanh thu chuyển đổi số đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ.Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia. Một số mục tiêu lớn bao gồm đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; Kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%...
Với cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu ứng dụng công nghệ để làm việc từ xa, quản trị vận hành và đảm bảo hoạt động thông suốt trở nên cấp thiết hơn bao giờ. Một nghiên cứu mới đây được công bố tại hội thảo “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” tổ chức tại Hà Nội cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội sử dụng công nghệ số để vận hành đã giúp tăng doanh thu đến 34%, giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thời gian in ấn, sắp xếp và tìm kiếm tài liệu, lưu trữ, hỗ trợ hoạt động và lên kế hoạch phát triển kinh doanh.
Được biết, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, FPT đã manh nha bước vào thị trường chuyển đổi số. Năm 2018, Tập đoàn công bố việc mua Intellinet - sự kiện hiếm có khi một doanh nghiệp Việt sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn (có thể lên tới 50 triệu USD) để mua lại công ty của Mỹ. Lý giải hành động này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, Intellinet giúp FPT có thể cung cấp dịch vụ chuyển đổi số tổng thể với những giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng toàn cầu.
Nhờ làm việc tại thị trường quốc tế, đồng hành cùng các khách hàng toàn cầu đã khiến FPT sớm nhận ra nhu cầu lớn về tư vấn và triển khai chuyển đổi số. Tới thời điểm này, khi mà chuyển đổi số trở thành yếu tố sinh tồn và phát triển của mọi cá nhân, tổ chức, chính phủ thì lựa chọn của FPT ngày càng sáng giá.
Có thể bạn quan tâm