Số hoá chuỗi cung ứng
Ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định, “cái gốc” của nền kinh tế tự chủ là thay đổi các chính sách giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tự chủ công nghệ và số hoá được chuỗi cung ứng.
>>> Số hóa - “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp thành công
Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển chia sẻ với DĐDN, đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, trong khi đó, tương lai của chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành.
- Thực tế, việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số tạo cơ chế đột phá giúp doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng vẫn còn hạn chế, thưa ông?
Bối cảnh thế giới đã và đang đặt ra vấn đề đa dạng các chuỗi cung ứng, đặc biệt sau xung đột Nga – Ukraine cũng như các cuộc chiến tranh thương mại làm đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như tác động tới giá cả các nguyên vật liệu chính. Trong khi đó, một trong những bất cập lớn hiện nay của Việt Nam là phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, chúng ta vẫn chưa tự chủ được các vật liệu của các ngành sản xuất như ngành thép vẫn nhập khẩu 9,3 triệu tấn/năm, dệt may xơ sợi, 90% bông nhập khẩu, 40% vải, 70% nguyên liệu ngành nhựa… Như vậy, những ngành chính dù phục vụ xuất khẩu nhưng chúng ta vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Bối cảnh này dẫn tới việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến Việt Nam khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đánh giá khách quan chúng ta vẫn tham gia chuỗi cung ứng ở khâu giá trị thấp như gia công, lắp ráp. Việc phụ thuộc nguyên liệu khiến mang lại giá trị không cao.
Chuyển đổi số trong việc xác định chuỗi cung ứng, tức là xây dựng chuỗi cung ứng thông minh. Việc lựa chọn tham gia vào các chuỗi cung ứng thông minh có thể thực hiện chuyển đổi số thông qua việc đánh giá khâu chủ động tham gia và ứng dụng công nghệ số trong quyết định tham gia vào chuỗi phân đoạn, các chuỗi giá trị khác nhau của từng ngành.
- Việc ứng dụng công nghệ số trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng sẽ mở ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới, thưa ông?
Thực chất việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số khi tham gia vào chuỗi cung ứng mang lại nhiều lợi ích hiệu quả so với chi phí đặt ra, bởi quá trình này thực hiện các phương thức dựa trên dữ liệu, giúp doanh nghiệp có lựa chọn khôn ngoan và cắt giảm chi phí.
Có thể nói, tương lai của chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy một số xu hướng đã có từ trước diễn ra nhanh hơn, trong đó dễ nhận thấy nhất là xu hướng tự động hóa, rô-bốt hóa, và chuyển đổi số. Xu hướng này hứa hẹn những lợi ích vô cùng lớn đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày - những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
- Tính tự chủ của doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi số của quá trình tham gia chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều thách thức, thưa ông?
Có hai nhiệm vụ then chốt chúng ta phải thực hiện đó là đổi mới công nghệ, tiến tới tự chủ về công nghệ.
Thực tiễn hiện nay Việt Nam dù đạt được nhiều thành tự về đổi mới sáng tạo nhưng tự chủ về công nghệ còn hạn chế, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự đồng bộ của các khâu, việc dành nguồn lực cho nghiên cứu phát triển còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực chỉ khoảng 0,53% GDP, hệ thống doanh nghiệp tham gia vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế.
Chúng ta cần thêm các cơ chế, chính chính sách hỗ trợ hiệu quả để doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo ra các sản phẩm từ đổi mới công nghệ nhiều hơn, có giá trị gia tăng cao hơn.
Với các nền tảng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, số hóa mà Việt Nam đang xây dựng, phải đảm bảo tính toàn diện, đảm bảo tạo ra cơ hội cho tất cả doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới đó, giúp chuyển đổi số và số hóa hiệu quả hơn.
Thứ hai, tập trung vào phát triển thị trường trong nước. Chúng ta có thị trường lớn 100 triệu dân và sự gia tăng tỷ trọng của nhóm người dân có thu nhập trung bình-cao. Hội nhập quốc tế, độ mở cao nhưng nếu không chú trọng thị trường trong nước chúng ta sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và không đảm bảo yêu cầu về tự chủ.
- Xin cảm ơn ông!
TS Elisabetta Gentile, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Đa dạng hóa chuỗi cung ứng giúp cho Việt Nam tránh đổ vỡ ở quy mô lớn, có thể dẫn đến những hiệu ứng đổ vỡ cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần phải hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng, về phát triển toàn cầu, bao gồm các tài sản vô hình (như thương hiệu, R&D, chiến lược marketing…), và hoạt động của tập đoàn đa quốc gia hiện nay. Việt Nam nên khu vực hóa chuỗi cung ứng, tận dụng mọi mối quan hệ với các đối tác khác trong khu vực để tạo ra sự ổn định, đủ điều kiện chống lại các đứt gãy và giảm thiểu tác hại domino tới các ngành liên quan. Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh: Hiện nay, việc tổ chức chuỗi cung ứng còn nhiều bất cập là vì quan hệ giữa các bộ phận dịch vụ khách hàng, phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng bao còn chưa được liên kết chặt chẽ. Xu hướng công nghệ trọng yếu đang có tầm ảnh hướng mạnh mẽ thay đổi thế giới nói chung, và các hoạt động quản lý chuỗi cung ứng nghiệp nói riêng. Việc có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hóa chuỗi cung ứng có thể tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu sai sót, chống gian lận, lừa đảo đến tăng cường năng lực huy động vốn... |