Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Thời điểm, thời gian đóng vai trò then chốt

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 27/07/2022 00:30

Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có tính chất quyết định và quan trọng nhất trong chuyển đổi số, cũng như vượt qua khủng hoảng là thời điểm và thời gian.

>>Doanh nghiệp cần động lực để chuyển đổi số

Ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hanpo Vina nhấn mạnh tại hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, vừa diễn ra gần đây.

Ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hanpo Vina. Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Tô Ngọc Phương (thứ ba từ trái sang), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hanpo Vina. Ảnh: Nguyễn Việt

Theo ông Tô Ngọc Phương, doanh nghiệp đã gặp phải rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, từ tài chính, nhân lực, logistics, đầu vào nguyên vật liệu… đến việc tìm ra các giải pháp để vượt lên trong giai đoạn khó khăn này.

Lĩnh hội trước tiên từ lãnh đạo 

Thời điểm là khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn do xảy ra dịch bệnh, nguồn tài chính, doanh thu, hoạt động sản xuất kinh doanh… bị sụt giảm. Do đó, sự giới thiệu của dự án LinkSME đã mang lại cơ hội tiếp cận đối với nguồn tài chính mà các tổ chức tài chính tại Việt Nam có thể cung cấp cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã tiếp cận thành công được với một gói tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây là kết quả rất rõ ràng và hiệu quả đối với hoạt động của doanh nghiệp”, ông Phương bày tỏ.

Về thời gian, theo ông Phương cộng đồng doanh nghiệp phải nhanh chóng tiếp cận các tổ chức tài chính hoặc kết nối thông tin để tìm hiểu và biết được có những tổ chức tài chính nào, giải pháp tài chính gì có thể mang lại nguồn tài chính cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nếu bản thân doanh nghiệp không chủ động tìm kiếm hoặc kết nối với các đơn vị đó, thì sẽ không tiếp cận được nguồn vốn. Khi gặp khó khăn, doanh nghiệp phải biết tìm ra cho mình giải pháp, có thể từ nguồn tài chính của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hay quỹ đầu tư tài chính. “Theo tôi, USAID là một trong những đầu mối để doanh nghiệp có thể tiếp cận”, ông Phương nói.

Đối với chuyển đổi số trong doanh nghiệp ông Phương đánh giá, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính, quản trị. Mặc dù, trong điều kiện tài chính không được dồi dào, năng lực quản trị chưa đạt ở mức cao, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên, chuyển đổi số với các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp phải có một lộ trình về chuyển đổi số, lộ trình thay đổi quản trị doanh nghiệp.

“Mọi người vẫn nói chuyển đổi số, nhà máy thông minh hay số hoá là một cái gì đó rất cao siêu. Nhưng thực tế đây chỉ là sự cải thiện hệ thống quản trị trong doanh nghiệp để làm sao hiệu quả và tối ưu nhất trong hoạt động của mình”, ông Phương bày tỏ.

Ngân hàng dành gói hỗ trợ quy mô lớn

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV nhận thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên về việc hỗ trợ tài chính thì từ năm 2015 ngân hàng đã có bộ phận kinh doanh chuyên biệt phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Nguyễn Việt

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Nguyễn Việt

Cùng với việc thành lập này, BIDV đã đưa ra gói tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan đến phục hồi sau COVID-19.

Thứ nhất, về tiếp cận tài chính BIDV đã đưa ra những gói tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt do phụ nữ làm chủ.

BIDV đã dành ra một gói có quy mô lớn, với lãi suất giảm 1,5% so với lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thông thường. Đây là điểm nhấn trong các gói hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của BIDV.

Thứ hai, BIDV tài trợ lãi trong thời gian COVID-19 đối với các doanh nghiệp có khoản vay tại BIDV và khoản vay được cơ cấu, hỗ trợ này lên đến 10.000 USD đối với một doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng, đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa với khoản hỗ trợ này là một khoản hỗ trợ cũng không nhỏ”, bà Phượng nhấn mạnh.

Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, từ những năm 2015, 2016 BIDV đã ý thức được sau đại dịch COVID-19 thì sẽ có những mặt trái, còn mặt phải là thúc đẩy và bắt buộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chuyển đổi số.

Do đó, từ năm 2020 BIDV đã có chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, đó là tặng phần mềm về kế toán và quản trị doanh nghiệp. BIDV đã có hợp đồng mua phần mềm của công ty Misa để tặng cho khách hàng là những doanh nghiệp nhỏ và vừa của BIDV để hỗ trợ chuyển đổi số.

Thông qua chương trình tặng phần mềm, ngoài ra BIDV còn miễn phí kết nối với những hệ thống ngân hàng điện tử của BIDV dành cho doanh nghiệp. “Đây chỉ là một phần hỗ trợ rất nhỏ nhưng thiết thực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam”, bà Phượng bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp cần động lực để chuyển đổi số

    01:46, 27/07/2022

  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa “lúng túng” chuyển đổi số và tiếp cận tín dụng

    17:11, 26/07/2022

  • Hỗ trợ chuyển đổi số để doanh nghiệp ứng phó với thách thức mới

    16:06, 26/07/2022

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT