Doanh nghiệp cần động lực để chuyển đổi số

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 27/07/2022 01:46

Việc thuyết phục doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số không khó. Vấn đề, chúng ta phải lý giải cho doanh nghiệp hiểu chuyển đổi để làm gì và được gì?

>>Doanh nghiệp nhỏ và vừa “lúng túng” chuyển đổi số và tiếp cận tín dụng

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Nguyễn Việt Long (thứ ba từ trái sang), Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Việt

Nhận thức thay đổi khi nhìn thấy lợi ích

Ông Long cho biết, trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ những khó khăn trong việc thay đổi thói quen, tập quán của người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt có cả những người lãnh đạo ở tầm trung của doanh nghiệp. Họ cho rằng chưa cần thiết phải chuyển đổi số vì với cách làm truyền thống cũng đang rất “ổn”.

Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp thực hiện thành công chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, ông Long cho rằng, vấn đề là chúng ta phải giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu được lý do và có thêm động lực để chuyển đổi số.

Thực tế, khi làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Long nhận thấy có hai trường hợp chuyển đổi số điển hình với doanh nghiệp nông nghiệp.

Thứ nhất, việc thuyết phục doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số không khó. Vấn đề là phải lý giải cho doanh nghiệp hiểu chuyển đổi để làm gì và sẽ được cái gì?

Ông Long dẫn chứng một doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp khi tham gia chuyển đổi số cùng chương trình. Bản thân doanh nghiệp cũng đã tự đầu tư, cùng sự hỗ trợ của chương trình trong việc truy xuất nguồn gốc.

Doanh nghiệp nhận thấy lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc khi có thể xuất khẩu nông sản sang châu Âu hay một số thị trường mới, hay đưa sản phẩm vào kênh thương mại hiện đại, như siêu thị, nhà hàng, khách sạn…

“Khi doanh nghiệp nhận thấy được lợi ích thì họ sẽ làm. Do đó, đóng góp lớn nhất của chương trình là thay đổi nhận thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Định nghĩa nhận thức ở đây cũng rất đơn giản, đó là lợi ích kinh tế, doanh thu, hiệu quả và quản lý”, ông Long nhấn mạnh.

Thứ hai, nếu giải thích thấu đáo doanh nghiệp sẽ thực hiện. Thời điểm đầu có sự hỗ trợ của chương trình, nhưng sau này thấy có hiệu quả về quản lý và kinh doanh doanh nghiệp sẽ phát triển.

“Qua việc đồng hành cùng chương trình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp  tôi thấy có một số trường hợp như vậy. Và đây chính là động lực của chương trình, chúng ta chỉ cần tạo động lực đầu tiên, sau đó doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện. Nhưng phải làm sao để doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích”, ông Long bày tỏ.

>>Hỗ trợ chuyển đổi số để doanh nghiệp ứng phó với thách thức mới

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Đồng quan điểm, bà Đặng Thuỳ Linh, Giám đốc số hoá hành chính khách hàng doanh nghiệp khối chuyển đổi số ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) đã giải đáp những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải khi tiếp cận các ngân hàng để tìm hiểu về các khoản vay.

bà Đặng Thuỳ Linh, Giám đốc số hoá hành chính khách hàng doanh nghiệp khối chuyển đổi số ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB). Ảnh: Nguyễn Việt

Bà Đặng Thuỳ Linh (thứ ba từ trái sang), Giám đốc số hoá hành chính khách hàng doanh nghiệp khối chuyển đổi số ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB). Ảnh: Nguyễn Việt

Đó là, các doanh nghiệp rất thiếu và gần như không có tài sản thế chấp vào các khoản vay của ngân hàng. Theo bà Đặng Thuỳ Linh, việc đi vay không có tài sản đảm bảo là một đặc trưng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với các ngân hàng nói chung, và Ngân hàng MSB nói riêng cũng thực hiện chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, với đặc trưng là không có hoặc không đủ tài sản đảm bảo.

Trong giai đoạn vừa qua, MSB đã đưa ra thị trường giải pháp số hoá dành cho khách hàng doanh nghiệp. Đó là, MSB cung cấp hạn mức tín chấp lên đến 15 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên những nghiên cứu đặc trưng của hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Vậy, làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được hạn mức cấp lên đến 15 tỷ đồng này của ngân hàng MSB? Bà Đặng Thuỳ Linh cho biết, chúng tôi  dựa trên “khẩu vị” rủi ro của ngân hàng, tập trung vào phân khúc trọng tâm là sản xuất, thương mại và xây dựng.

Doanh nghiệp có thể truy cập vào link vaynhanhsme.msb.com.vn của MSB, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy ngay sản phẩm của MSB cho vay tín chấp lên đến 15 tỷ đồng.

Khi doanh nghiệp cung cấp hồ sơ vay vốn, phương án vay vốn online trên cổng website của MSB, doanh nghiệp cũng nhìn thấy được ưu đãi là 0,5% lãi suất. Đây là sự hỗ trợ rất lớn từ MSB.

“Chúng tôi cho rằng, hạn mức tối đa tín chấp lên đến 15 tỷ đồng là hạn mức rất ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Linh nói.

Vẫn theo bà Đặng Thuỳ Linh, với hồ sơ hay thủ tục ngân hàng, MSB cũng đã tinh chỉnh phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp.

"Khi doanh nghiệp truy cập vào website vaynhanhsme.msb.com.vn của MSB, doanh nghiệp sẽ biết mình có thể vay được tối đa bao nhiêu tiền. MSB cũng đã trang bị công cụ số hoá trên đó để doanh nghiệp nhỏ và vừa biết được hạn mức tối đa có thể vay là bao nhiêu, hồ sơ cần phải cung cấp như thế nào, bà Linh cho biết".

Đồng thời, trực tuyến nộp hồ sơ cho MSB, ngân hàng có thể xử lý trong vòng tối đa 24h làm việc cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể nhận ngay được hạn mức có thể vay.

“Đây là bước chuyển rất lớn của MSB cùng đồng hành với chuyển đổi số của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được khả năng tài chính, cũng như nhu cầu tài chính của mình”, bà Linh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa “lúng túng” chuyển đổi số và tiếp cận tín dụng

    17:11, 26/07/2022

  • Hỗ trợ chuyển đổi số để doanh nghiệp ứng phó với thách thức mới

    16:06, 26/07/2022

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT