Chuyển đổi số quốc gia: Thanh lọc mạng cần một chiến lược dài hơi
Cuối tuần trước, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố, trong 6 tháng đầu năm, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
>>Lừa đảo qua mạng nhức nhối đến bao giờ?
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn thông tin cho biết, tình hình lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Trước tình hình đó, nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến để bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã chính thức phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7.
Chiến dịch do Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chủ trì, điều phối và phối hợp cùng thành viên Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Chiến dịch sẽ phủ sóng rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng mạng xã hội để cung cấp đầy đủ thông tin, trang bị và phổ biến kiến thức về lừa đảo trực tuyến đến với mọi nhà, cho từng nhóm đối tượng, thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Những chiến dịch như trên là rất cần thiết vì trong vài năm trở lại đây, không chỉ có tình trạng quấy rối lừa phỉnh, mà tình hình an ninh, trật tự xã hội trên không gian mạng diễn biến theo chiều hướng phức tạp và ngày càng gia tăng, có thể kể ra như tình trạng kẻ xấu lợi dụng internet và các nền tảng công nghệ mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo trục lợi bất chính hay bôi nhọ, nói xấu, tuyên truyền xuyên tạc, quảng cáo quá đà, sai sự thật nhằm hạ bệ đối thủ trong cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các biện pháp áp dụng đảm bảo môi trường mạng lành mạnh tại VN thời gian qua vẫn còn mang tính tình thế, và như vậy cần có một giải pháp căn cơ, nhất quán mang tính chiến lược xuyên suốt và lâu dài.
Chiến dịch Thanh Lãng
Là một nước có “dân số mạng” đông đảo, Trung Quốc từ lâu đã gặp nhiều vấn đề về an ninh mạng. Và năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra chiến dịch dài hơi “Thanh Lãng” (QingLang) để làm sạch môi trường mạng. Chiến dịch này sẽ triển khai các hành động động đặc biệt nhằm quản lý giám sát và trấn áp những việc sử dụng Internet để cổ súy, truyền bá thông tin bất hợp pháp gây mất an ninh trật tự và bất ổn cho xã hội.
Chiến dịch này Chính phủ Trung Quốc duy trì đã được gần một thập kỷ, đặc biệt là mỗi năm có một mục tiêu cụ thể khác nhau.
Năm 2016 là quản lý giám sát và chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến công cụ tìm kiếm, điều hướng trang web, sử dụng đám mây để phổ biến thông tin bất hợp pháp, các tài khoản WeChat bất hợp pháp, vấn đề không trung thực của các trang web tuyển dụng và các ứng dụng liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên.
Từ năm 2017 đến 2019 Trung Quốc tiến hành các hành động đặc biệt về quản trị đối với hệ sinh thái mạng.
Năm 2020 Trung Quốc tập trung vào việc chấn chỉnh các nội dung thô tục, bạo lực mạng, lừa đảo trực tuyến, truyền bá thông tin xấu ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần gây cản trở việc học trực tuyến của giới trẻ và tiếp thị ác ý vi phạm quyền riêng tư cá nhân; đồng thời tiến hành đóng cửa các tài khoản vi phạm pháp luật.
Trong năm 2021, Trung Quốc tiến hành các hành động đặc biệt cải thiện môi trường mạng dành cho trẻ vị thành niên và chấn chỉnh việc thu thập, chỉnh sửa và tiết lộ thông tin tài chính bất hợp pháp, trong đó nghiêm cấm trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi thực hiện các chương trình phát sóng trực tiếp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề trẻ vị thành niên nghiện game trực tuyến.
Năm 2022 Trung Quốc tập trung trấn áp văn hóa hâm mộ độc hại. Tiêu biểu là những vụ phạt sao Hoa ngữ như Ngô Diệc Phàm hay Trịnh Sảng.
Kết quả, từ 2016 đến 2022, Trung Quốc đã tiến hành đóng cửa tổng cộng 2,1 tỷ tài khoản bất hợp pháp, 1,82 triệu diễn đàn và nhóm truyền bá nội dung tục tĩu, tin đồn thất thiệt và bạo lực đẫm máu; xóa 22,150 triệu thông tin xấu và bất hợp pháp; xóa khỏi kho ứng dụng hơn 2.160 chương trình ứng dụng; đóng cửa 3.200 trang web bất hợp pháp
Năm 2023 này, chiến dịch Thanh Lãng sẽ tập trung bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và doanh nhân.
Khuyến nghị với Việt Nam
Tham khảo chiến dịch Thanh Lãng của Trung Quốc, chúng ta thấy việc làm sạch môi trường mạng là một việc khó, lớn và cần rất dài hơi cũng như có một kế hoạch tổng thể.
Chiến dịch như “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” của Bộ TT&TT kể trên là rất cần thiết và thiết thực. Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa sự lành mạnh môi trường mạng Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện nhiều hơn những chiến dịch mạnh mẽ có tính chiến lược tổng thể dài hơi với sự tham gia vào cuộc tự nguyện và trách nhiệm cao của tất cả các bên.
Để xây dựng phát triển môi trường mạng Việt Nam lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp và doanh nhân, xin kiến nghị Nhà nước và các cơ quan quản lý chức năng một số nội dung như sau:
Một là, tham khảo Chiến dịch “QingLang – Thanh Lãng” của Trung Quốc trong thanh lọc làm sạch môi trường mạng để nghiên cứu xây dựng, thực hiện chiến dịch làm sạch môi trường mạng bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và lợi ích quốc gia lâu dài.
Hai là, tăng cường áp dụng công nghệ, nâng cao kiến thức công tác quản lý, giám sát và đánh giá trong việc tuân thủ, thi hành, sử dụng và áp dụng pháp luật, đặc biệt là Luật An ninh mạng đối với tất cả các bên liên quan để kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi phạm pháp tránh gây hậu quả xấu cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm