Thanh toán bằng… nhẫn
Sau thẻ, điện thoại thông minh, tiền di động, bây giờ người dùng còn có thể thanh toán bằng nhẫn. Chỉ cần chạm chiếc nhẫn vào máy POS là giao dịch sẽ được thực hiện.
>>Công ty khởi nghiệp Inkle ra mắt nền tảng thanh toán xuyên biên giới
Công ty công nghệ McLEAR của Anh vừa ra mắt chiếc nhẫn điện tử, cho phép người dùng thanh toán hàng hóa và dịch vụ chỉ với một “cái vẫy tay”.
Chiếc nhẫn này có tên là “Ring Pay 2”. Nó được thiết kế đẹp mắt để thích hợp vừa là một thiết bị thanh toán, nhưng cũng vừa là một món đồ trang sức.
Chiếc nhẫn Ring Pay 2 này có một điểm đặc biệt rất đáng lưu tâm là nó không cần sạc pin như nhiều thiết bị điện tử khác. Bởi lẽ, mỗi lần chạm vào máy thanh toán, nhẫn sẽ tự động nạp năng lượng. Do đó, nó đảm bảo khả năng truy cập không bị gián đoạn để thực hiện thanh toán, mang đến cho người dùng sự tiện lợi và an tâm.
Tương tự như những công cụ thanh toán khác, chiếc nhẫn cũng tích hợp với thẻ Visa hoặc Mastercard hiện có thông qua một ứng dụng dành riêng cho thiết bị di động. Công nghệ này cũng cung cấp chức năng bảo mật nâng cao với tùy chọn thiết lập số nhận dạng cá nhân (mã PIN) cho các giao dịch có giá trị cao và đăng nhập sinh trắc học.
Câu hỏi đặt ra là liệu công nghệ thanh toán có thể tiến xa đến đâu và người tiêu dùng có thực sự muốn thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng đồ trang sức của họ không?
Kể từ đại dịch Covid-19, công nghệ thanh toán không tiếp xúc đang nổi lên như một phương thức giao dịch ưa thích của nhiều người. Theo đó, thị trường toàn cầu cho thanh toán di động và ví kỹ thuật số đang mở rộng nhanh chóng. Tính đến năm 2022, trên toàn cầu có hơn 780 triệu người dùng công nghệ thanh toán di động không tiếp xúc. Con số này dự kiến sẽ vượt quá 1 tỷ vào năm tới.
Rõ ràng, cách thanh toán này đang là xu hướng trên thế giới không chỉ nhờ sự nhanh gọn, mà còn vì nó không yêu cầu người dùng phải lấy thẻ ngân hàng ra, khiến họ đối mặt với nguy cơ bị lộ thông tin.
Do đó, thị trường công nghệ thanh toán đang thu hút nhiều “người chơi” khác nhau, mỗi nhà cung cấp đều nỗ lực tung ra các sản phẩm độc đáo. Ông lớn Samsung cũng tích hợp chức năng Samsung Pay trên thiết bị đồng hồ đeo tay Samsung Gear S3; Apple cũng không kém cạnh với Apple Pay tích hợp trên thiết bị “Apple Watch”. Trong khi đó, các công ty như NFC và Kerv Wearables cũng giới thiệu các giải pháp công nghệ thanh toán như vòng đeo tay và móc chìa khóa.
Ngoài đồng hồ và nhẫn, công nghệ thanh toán cũng mở rộng sang dây đeo cổ tay thanh toán. Vòng đeo tay Magic Band của Disney và TapuTapu của Universal là những ví dụ về công nghệ này trong ngành giải trí, cung cấp cho người dùng trải nghiệm thanh toán liền mạch tại các công viên giải trí.
Có thể thấy, dù là một thẻ tín dụng thanh toán hay một chiếc nhẫn thông minh thì điều mong muốn nhất từ những nhà sáng chế là phục vụ tốt nhất cho khách hàng, đảm bảo sự an toàn và tiện ích cho những “thượng đế” của mình.
Theo các chuyên gia kinh tế, đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang là một trong những giải pháp mang nhiều tiện ích cho xã hội, kiểm soát minh bạch dòng tiền, thay đổi nhận thức người tiêu dùng. Chưa biết phương thức thanh toán bằng nhẫn này có chiếm được bao nhiêu thị phần, nhưng ít nhất nó cũng có một điểm rất tiện dụng là nó luôn trên người và người dùng không cần phải mang theo điện thoại thông minh hay thẻ ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm