Đừng đổ hết lỗi cho doanh nghiệp
Những cán bộ vi phạm lý giải rằng, họ nhận tiền như một sự vô thức, doanh nghiệp đưa cho họ chứ họ không vòi vĩnh.
>>Nhận diện tham nhũng chính sách từ vụ án “chuyến bay giải cứu”
Liên quan đến đại án “chuyến bay giải cứu”, một mẫu số chung trong nhiều lời khai của lãnh đạo các doanh nghiệp đã thực hiện hành vi hối lộ, phải ra đứng trước vành móng ngựa hôm nay, ấy là “không đưa tiền thì không được cấp phép”.
Trong những lời khai bẽ bàng của họ, chúng ta có thể cảm nhận được sự ân hận muộn màng, và cả sự uất ức. Ở chiều ngược lại, những cán bộ vi phạm lý giải rằng, họ nhận tiền như một sự vô thức, doanh nghiệp đưa cho họ chứ họ không vòi vĩnh. Có người thản nhiên khi bao biện rằng, họ nhận hàng chục tỷ đồng nhưng không ý thức được mình đã vi phạm pháp luật. Lại cũng có những người đôi co trước tòa án rằng đó là vali đựng rượu chứ không đựng tiền. Tất cả đều tỏ ra là họ bị động nhận lời cảm ơn của doanh nghiệp, chứ không chủ ý trục lợi, không cố tình vòi vĩnh.
Doanh nghiệp vị lợi
Vụ án “chuyến bay giải cứu” sẽ có thể trở thành một trong những vụ bê bối công quyền tủi hổ nhất ở nước ta bởi tình huống khó khăn, gian nan lại được một bộ phận cán bộ Nhà nước tận dụng tối đa để mưu lợi vị kỷ. Đại án cũng có thể sẽ mãi trở thành “nỗi xấu hổ” khó gột rửa bởi những cán bộ tha hóa đã lạnh lùng vụ lợi mà bất chấp những giới hạn đạo đức làm người. Những người gây ra vụ án sẽ còn được lưu truyền trong dân gian khi cho thấy, liêm sỷ đã ở mức cạn kiệt, thể hiện qua những lời tự bào chữa ngây ngô, bất chấp sự hiểu biết của người khác.
Lợi nhuận chính là động lực nền tảng cho hoạt động của mọi doanh nghiệp. Theo một lẽ thông thường, sẽ không có doanh nghiệp nào lại muốn tốn chi phí “bôi trơn” cho cơ quan công quyền để được hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp bất chấp mọi giới hạn, sử dụng những biện pháp tiêu cực để giành được lợi thế cạnh tranh và hưởng lợi sẽ luôn bị xã hội lên án, thể hiện qua các phản ứng nghiêm khắc của hệ thống pháp luật.
“Bị cán bộ các bộ, ngành ép đến cùng cực… ngày mai bay nhưng tối nay mới được thông báo là chuyến bay được cấp phép” là những lời khai đầy ám ảnh của ông Đào Minh Dương, chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun. Đây là minh chứng cho thấy, doanh nghiệp có thể không muốn tiêu cực nhưng khi bị đẩy vào tình huống buộc phải chi tiền mà vẫn có lãi thì lãnh đạo doanh nghiệp vẫn sẽ làm.
Logic tối thiểu của hành vi kinh doanh là sẵn sàng đầu tư nếu nhìn thấy cơ hội có lãi. Quy luật cạnh tranh khốc liệt có thể làm mờ đi các giới hạn đạo đức bởi nếu doanh nghiệp này không làm thì doanh nghiệp khác vẫn có thể làm và họ là kẻ thất bại. Cho nên, mặc dù hối lộ dưới hình thức cảm ơn là rất đáng phê phán nhưng chúng ta cũng cần khách quan, không thể đổ hết lỗi cho doanh nghiệp khi họ buộc phải thực hiện một dạng hành vi đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Đáng trách hơn cả là những cán bộ công quyền, những người đã hiện nguyên hình là những cá nhân ích kỷ, núp danh cơ quan công quyền để trục lợi thiển cận. Những cán bộ phải ra trước tòa án hôm nay đã hành động trước hết là vì lợi ích của chính bản thân họ, hay của những ai khác thì cũng chỉ có họ biết, chứ không phải vì lợi ích của nhân dân như nhân dân vẫn hằng kỳ vọng.
>>Chuyến bay giải cứu và nỗi đau lịch sử
>>Test cán bộ “biến chất” từ đại án “chuyến bay giải cứu”
Trung thực với nhân dân
Trước tình huống bất thường gây ra bởi đại dịch, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là cần phải xử lý các thủ tục hành chính nhanh gọn nhất, lựa chọn đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp với năng lực tốt nhất để có thể đưa công dân về nước sớm nhất, an toàn nhất, và với chi phí thấp nhất có thể. Làm được như vậy, cán bộ các cơ quan Nhà nước đã thực hiện trách nhiệm chính trị ở mức độ cao nhất với công dân.
Vậy nhưng, sự bức bách từ nhu cầu về nước của công dân bị mắc kẹt nơi xứ người cùng ham muốn lợi nhuận từ các doanh nghiệp lại trở thành cơ hội vụ lợi của một bộ phận cán bộ. Họ biết rằng khi người dân và doanh nghiệp càng vội, càng bức bách thì thẩm quyền cấp phép càng có giá. Quyền lực gắn liền với vị trí của họ bỗng trở thành một thứ tài sản có giá trị trao đổi tăng cao đột biến. Và họ đã thản nhiên hăng say kiếm lợi để đến hôm nay phải ra tòa với sự bẽ bàng, tủi hổ.
Với tính chất khác biệt, đại án “chuyến bay giải cứu” đã gióng lên tiếng chuông báo động về đạo đức công vụ, cụ thể hơn là tính trung thực và ý thức chịu trách nhiệm. Chưa bàn đến các quy định của Đảng, hay pháp luật của Nhà nước, mỗi bị cáo hãy nhận thức về những sai phạm do mình gây ra và hành xử với tư cách một người bình thường, chứng tỏ rằng họ có giáo dục. Để không bị coi là những kẻ vô giáo dục, mỗi bị cáo phải trung thực và dám chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Cho dù đã muộn nhưng sự trung thực với chính mình, với cơ quan, tổ chức, và với nhân dân của các bị cáo vẫn rất cần thiết đối với hệ thống công quyền ở nước ta, cả ở hiện tại và tương lai. Hãy nói công khai trước nhân dân, dù chỉ một lần, rằng họ rất xấu hổ bởi đã tham lam để rồi toan tính vụ lợi, bất chấp sự thiệt hại của nhân dân, bất chấp cả những giới hạn đạo đức làm người.
Có thể bạn quan tâm
Test cán bộ “biến chất” từ đại án “chuyến bay giải cứu”
03:00, 24/07/2023
Chuyến bay giải cứu và nỗi đau lịch sử
03:00, 21/07/2023