Rút ngắn lộ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP
Chính sách ban hành sớm, đúng thời điểm, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi nhanh và ngược lại…
>>Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Thích ứng với “luật chơi” mới
Cuối năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đáng chú ý, Nghị định quy định, “tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế”.
Quy định này nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tuy nhiên, kể từ khi có hiệu lực thi hành, quy định đã cho thấy nhiều bất cập, gia tăng chi phí, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn sau dịch COVID-19.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, rất nhiều doanh nghiệp đã vượt mức khống chế “trần” lãi vay 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP dẫn tới việc bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế.
Quy định không chỉ ngăn các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn cần thiết để mở rộng sản xuất - kinh doanh, mà còn làm giảm động lực phát triển và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trước những bất cập đã nêu, tại điểm đ mục 4 Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Chính phủ giao: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023”.
Việc sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP được đánh giá là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, có ý nghĩa sống còn với hàng nghìn doanh nghiệp, thế nhưng, tại văn bản mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra lộ trình dự kiến, quý I/2024 đưa ra Dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức hội thảo lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Nghị định và gửi hồ sơ xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp trong đầu quý II/2024; quý III/2024, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ để ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 ngày 06/12, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong một số thời điểm, việc phản ứng chính sách chưa kịp thời. Theo Thủ tướng, cách tiếp cận vấn đề là không ngại, không sợ việc quy định vừa ban hành đã sửa đổi, nếu văn bản ban hành mà không phù hợp, chưa đi vào cuộc sống hoặc ban hành xong mà tình hình thay đổi thì điều chỉnh ngay.
Với tinh thần đó, Bộ Tài chính hoàn toàn có thể đẩy nhanh lộ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP và chủ động đề xuất làm theo quy trình rút gọn để sớm cởi các nút thắt pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
UOB: Cắt giảm lãi suất và thuế VAT đã giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
15:38, 08/12/2023
Giảm 50% thuế môi trường với xăng dầu - Giải pháp thiết thực để phục hồi kinh tế
04:00, 06/12/2023
Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
18:06, 05/12/2023
Tiếp tục ưu đãi về thuế, tài chính
17:05, 05/12/2023