Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đang phát triển thế nào?
Du lịch nông nghiệp có thể trở thành động lực phát triển nông thôn toàn diện.
>>Du lịch nông nghiệp Đắk Nông
Xu hướng du lịch nông nghiệp đang nổi lên trên toàn cầu đã tìm thấy điểm cập bến lý tưởng ở Việt Nam, quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và dân số sinh sống chủ yếu ở nông thôn chiếm đến 62,7% (theo số liệu từ Statista). Di sản văn hóa phong phú gắn liền với truyền thống trồng lúa và các vườn cây ăn trái bạt ngàn đang tạo tiền đề cho ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Du lịch nông nghiệp bao gồm các hoạt động xoay quanh nông nghiệp, người nông dân và cảnh quan nông thôn. Loại hình này có thể cung cấp trải nghiệm toàn diện, hấp dẫn, cũng như mang tính giải trí và giáo dục.
Việt Nam đã chứng kiến làn sóng du lịch nông nghiệp tăng vọt trong thời gian gần đây. Các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân đã và đang đầu tư khai thác yếu tố nông nghiệp nhằm phát triển những sản phẩm du lịch đậm đà bản sắc văn hóa, đáp ứng thị hiếu của du khách. Thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thủ công và trái cây địa phương cũng góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Ở miền Bắc, các tour du lịch nông nghiệp tập trung vào trồng cấy lúa nước truyền thống và các nghề thủ công, như tour trải nghiệm văn hóa đồng lúa hay khám phá con đường di sản ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các sản phẩm thể hiện tính đa dạng nông nghiệp, ví dụ như tour tham quan làng dân tộc thiểu số ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Số lượng du khách đến với loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao cũng gia tăng đáng kể ở nhiều địa phương.
Mặc dù số liệu thống kê còn hạn chế nhưng có thể thấy du lịch nông nghiệp đang ngày càng thu hút người tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế. Hơn nữa, du lịch nông nghiệp có thể đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Bằng cách đưa các yếu tố giáo dục vào trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du khách sẽ hiểu sâu hơn về truyền thống và văn hóa cũng như tầm quan trọng của các hoạt động bền vững, thúc đẩy mối liên hệ có ý nghĩa hơn với điểm đến.
Việc tương tác mang lại lợi ích cho đôi bên như vậy cũng xây dựng ý thức cộng đồng và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân và khách tham quan, khiến du lịch nông nghiệp trở thành chất xúc tác để phát triển nông thôn toàn diện và bền vững.
Tuy nhiên, một số thách thức đang cản trở du lịch nông nghiệp phát huy hết tiềm năng ở Việt Nam. Một trong những vấn đề chính là phát triển sản phẩm. Mặc dù Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú nhưng ngành du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Các hoạt động thường diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ và thiếu chiến lược thương hiệu. Điều này khiến sản phẩm du lịch gặp khó khăn trong thu hút sự quan tâm của du khách.
Du lịch nông nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức về chất lượng dịch vụ, cụ thể là nhiều người dân địa phương còn thiếu kỹ năng cần thiết để phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp. Vì nhược điểm này mà các sản phẩm du lịch còn đơn giản, chưa được khai thác tốt, khiến khả năng chi tiêu của du khách bị hạn chế. Việc thiếu sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ toàn diện đang kìm hãm sự phát triển của ngành.
>>Sức sống mới cho du lịch nông nghiệp
Các vấn đề về kết nối đặt ra thách thức thứ ba khi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và điểm đến vẫn chưa chặt chẽ. Điều này cản trở tạo ra các sản phẩm du lịch tích hợp và hấp dẫn cả khách trong nước và quốc tế.
Trải nghiệm mua sắm trong du lịch nông nghiệp cũng có những thách thức riêng. Sản phẩm thường thiếu thương hiệu và bao bì hấp dẫn, phần nào khiến du khách ngần ngại về chất lượng và độ an toàn. Ngoài ra, việc giới thiệu và trình bày quy trình sản xuất không đầy đủ cũng làm giảm trải nghiệm mua sắm tổng thể.
Nguồn nhân lực khan hiếm, đặc biệt là ở những công việc mang tính chất dịch vụ, là thách thức thứ năm. Việc thiếu nguồn lao động có kỹ năng ảnh hưởng đến khả năng cung cấp trải nghiệm du lịch nông nghiệp sáng tạo và chất lượng cao. Tình trạng thiếu đào tạo về quản lý vận hành cho các điểm đến nông nghiệp và làng nghề càng làm trầm trọng thêm những hạn chế này.
Cuối cùng, các nỗ lực quảng bá và tiếp thị cho du lịch nông nghiệp được coi là chưa đủ và chưa chuyên biệt. Những chiến lược hiện tại chủ yếu tập trung vào quảng bá du lịch nói chung mà bỏ qua sức hấp dẫn riêng của các sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Vậy, làm thế nào Việt Nam có thể vượt qua thách thức và định vị mình là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp? Mời độc giả tìm hiểu thêm qua bài viết “Nuôi dưỡng thành công cho du lịch nông nghiệp” sẽ đăng tải vào ngày mai (12/12/2023).
Có thể bạn quan tâm
Du lịch nông nghiệp Đắk Nông
00:30, 10/12/2023
Hà Nội: Kết nối sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn
00:50, 04/10/2023
Hải Phòng: Tháo gỡ khó khăn để phát triển du lịch nông nghiệp
02:00, 25/09/2023
Sức sống mới cho du lịch nông nghiệp
04:00, 02/08/2023