Gạo Việt "thừa thắng xông lên", doanh nghiệp vẫn "dè chừng"
11 tháng, xuất khẩu gạo đạt 7,8 triệu tấn, với mức tăng kỷ lục về giá trị đạt 4,4 tỉ USD. Dự báo cả năm sẽ lập kỷ lục cả về khối lượng và kim ngạch với 8,3-8,4 triệu tấn và 4,7- 4,8 tỷ USD.
>>>Gạo Việt Nam được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”: Cơ hội “vươn xa”
Trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn, tương ứng 4,4 tỉ USD, tăng 16% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
Nhiều kỷ lục mới
Vừa qua, gạo Việt Nam được Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo toàn cầu công nhận là gạo ngon nhất thế giới, một lần nữa khẳng định giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện, Việt Nam đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, đây chính là ưu thế. Việt Nam đã và đang xây dựng chuỗi lúa gạo.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phấn khởi cho hay, trong quý IV/2023, Trung An tiếp tục xuất gạo đi các nước châu Âu, Australia, Singapore, Dubai..., mỗi đơn hàng từ 3-10 container.
"Mặc dù hiện tại, việc bốc hàng tại Hàn Quốc bị gián đoạn do tuyết đang rơi khá dày, phải đóng nắp hầm hàng, nhưng chúng tôi có 1 tàu hơn 16.000 tấn gạo đang bốc tại cảng Busan, khoảng đến ngày 15.12.2023 là giao hoàn thành. Đặc biệt, chúng tôi vừa ký 2 đơn hàng cho quý I/2024, trong đó một đơn 460 tấn với giá 785 USD/tấn và 1 đơn khác 1.012 tấn với giá lên tới 860USD/tấn. Cả hai đơn hàng này đều xuất khẩu cho thị trường Malaysia" , ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới vẫn cao, nên cơ hội cho gạo Việt vẫn lớn. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT dự báo, xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ lập kỷ lục cả về khối lượng và kim ngạch với 8,3-8,4 triệu tấn và 4,7- 4,8 tỷ USD.
>>>Giá gạo "quay đầu" tăng, doanh nghiệp có mừng?
Doanh nghiệp "gặp khó"
Đáng lưu ý, dư địa cho hạt gạo gia tăng giá trị được nhận định là vẫn còn rất lớn khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể kéo dài đến hết tháng 2 năm sau.
Ngoài ra, Indonesia, Trung Quốc, Philippines vẫn có nhu cầu thu mua gạo dự trữ cao. Giá gạo Việt Nam vì thế tiếp tục tăng mạnh, hiện lên đỉnh mới là 663 USD/tấn và là mức cao nhất thế giới hiện nay. Đây là một thông tin vui cho người trồng lúa.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thì việc giá lúa tăng cao cũng đang tác động không nhỏ đến đời sống và thị trường. Trước mắt là các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng lúa gạo.
Giá lúa hiện tại hơn 9.000 đồng/kg - giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá thu mua vào tại các doanh nghiệp cũng đang ở mức như thế. Điều này buộc các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải tìm mọi cách để thích ứng.
"Giai đoạn khó khăn nhất là tháng 7, tháng 8, giá biến động quá nhanh, một ngày có thể tăng 2 - 3 lần. Các doanh nghiệp không lấy được hàng, phải giao hợp đồng, mua mới thì thua lỗ rất nặng nhưng sau thời gian đó giá không tăng đột biến", ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông cho biết.
Đối với những doanh nghiệp đã có thương hiệu, có đơn hàng với các thị trường cao cấp, quá trình thích ứng cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu ở các thị trường truyền thống đang đối mặt nhiều khó khăn.
Sau khoảng 4 tháng tăng liên tục, giá gạo hiện nay cao khoảng 40% so với cùng kỳ, tức bình quân tăng hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với những lo ngại về sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino, giá gạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trong những tháng tiếp theo. Trước xu hướng này, bài toán bình ổn giá gạo trong nước được đặt ra. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Để đảm bảo hài hòa lợi ích của xuất khẩu và thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có chỉ thị giao nhiệm vụ cho các Sở Công Thương, đơn vị thuộc Bộ, hiệp hội, doanh nghiệp theo dõi sát sao tình hình, đảm bảo cung ứng hàng hóa thị trường trong nước phù hợp với tình hình sản xuất cũng như tiến độ về mặt xuất khẩu. Đặc biệt, giai đoạn Tết Nguyên đán sắp tới đảm bảo không bị thiếu nguồn cung giá gạo cũng như duy trì giá gạo bình ổn trên thị trường".
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ cho biết, thực tế các doanh nghiệp đang bán gạo với mức cao hơn mức Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) niêm yết. Nguồn cung hạn chế, giá lúa gạo ở thị trường nội địa cao khiến doanh nghiệp không thể bán với giá thấp để tránh thua lỗ.
"Hiện tại Dương Vũ Rice đang xuất khẩu gạo với giá 670-680 USD/tấn. Giá gạo đang ở mức cao, doanh nghiệp ký hợp đồng đến đâu bán đến đó là giải pháp an toàn nhất", ông Hòa nói.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam - Thái Lan có thể hợp tác về gạo, xe điện
06:29, 09/12/2023
Gạo Việt Nam được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”: Cơ hội “vươn xa”
02:00, 02/12/2023
Giá gạo tăng: Ai vui? Ai buồn?
04:30, 13/11/2023
Nam Định: Thu hút doanh nghiệp đầu tư ngao
00:30, 03/11/2023
Giá gạo "quay đầu" tăng, doanh nghiệp có mừng?
03:30, 15/10/2023