Quảng Ninh: Phát triển doanh nghiệp là thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương
Thời qua, Quảng Ninh trở thành “điểm đến” cho dòng vốn FDI. Trong đó, năm 2023 là năm thành công nhất của tỉnh về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với con số kỷ lục ước đạt 3,1 tỷ USD.
>>>Quảng Ninh: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước
Từ chính quyền hỗ trợ...
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Xác định sự phát triển của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đồng hành gỡ khó và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Theo đó, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tỉnh cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm trong phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp…
Đặc biệt, từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh chung cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành và chỉ đạo triển khai các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, văn bản về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đại diện doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh…
Tháng 4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp năm 2023. Trong đó tập trung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ kê khai thuế, kế toán, công nghệ, khởi nghiệp, mở rộng thị trường, thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tỉnh quyết tâm tăng số lượng thành lập doanh nghiệp mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh năng lực sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Qiu An Liang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may WEILI Việt Nam, chia sẻ: Thời gian qua, công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của TP Hạ Long về thủ tục hành chính, GPMB, an ninh trật tự, tuyển dụng lao động và xuất nhập khẩu. Đây là yếu tố quan trọng để công ty hoạt động ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiếp tục triển khai các dự án tại TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
... đến đồng hành trong các khu công nghiệp, khu kinh tế
Giai đoạn 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh trở thành “địa chỉ đỏ” cho dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó, năm 2023 là năm thành công nhất của tỉnh về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với con số kỷ lục ước đạt 3,1 tỷ USD. Để đảm bảo các dự án sớm đưa vào hoạt động,
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai: Thời gian qua đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bám sát tiến độ các dự án, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai các thủ tục hải quan. Để đảm bảo các dự án sớm đưa vào hoạt động, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bám sát tiến độ các dự án, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai các thủ tục hải quan.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai, đến ngày 21/11/2023, có 391 doanh nghiệp đang làm thủ tục qua đơn vị, trong đó số doanh nghiệp trong các KCN, KKT là 34 (tăng 8 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022).
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp có các dự án chuẩn bị đầu tư cũng được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai triển khai theo hướng khi đã tổ chức các cuộc gặp trực tiếp, hội nghị chuyên đề để tiếp xúc doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu, kế hoạch nhập khẩu của các doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn cụ thể các quy định, chính sách quy trình thủ tục hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp. Chi cục cũng phân công công chức chuyên quản trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Ông Hsu Chi – Wen - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Boltun Việt Nam (doanh nghiệp chế xuất có trụ sở tại KCN Bắc Tiền Phong, TX Quảng Yên) cho biết: Chúng tôi được cấp phép thực hiện Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm khóa chốt và dập định hình có quy mô vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 165 triệu USD.
Theo ông Hsu Chi – Wen: Ngay từ rất sớm, Công ty được các cấp ngành hướng dẫn thủ tục hải quan, thuế, cơ chế chính sách để doanh nghiệp nắm bắt, chủ động thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động nhập khẩu máy móc tạo tài sản cố định và thiết bị, nguyên vật liệu để phục vụ hoạt động sản xuất. Nhờ kịp thời xử lý vướng mắc, không để doanh nghiệp phải chịu thêm bất cứ chi phí nào phát sinh trong quá trình làm thủ tục đã ngày càng tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư của tỉnh.
Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc quan hệ đối ngoại Công ty Jinko Solar (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên) cho biết: Tập đoàn đang đầu tư 4 dự án với tổng mức đầu tư gần 1,6 tỷ USD nhằm hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi tháng, Công ty làm thủ tục thông quan khoảng 700 tờ khai để nhập khẩu máy móc, thiết bị.
Sự quan tâm của chính quyền địa phương, hải quan đã giúp cho doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các quy định, chính sách pháp luật, giải quyết được các khó khăn ngay từ ban đầu khi triển khai các thủ tục. Đồng thời, thông báo kịp thời các chính sách ưu đãi về thuế mà doanh nghiệp được hưởng trong quá trình thực hiện đầu tư dự án. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp cho các dự án đẩy nhanh tiến độ để đi vào hoạt động.
Với những giải pháp cụ thể trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Ninh đã nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước 6 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI và các chỉ số phản ánh chất lượng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ...
Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 2.049 đơn vị thành lập mới, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 16.280 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường là 2.752 doanh nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý chỉ có 398 doanh nghiệp giải thể, giảm 9,7% so cùng kỳ. Cũng trong 9 tháng, đã có 65 HTX thành lập mới, tăng 117% kế hoạch năm, với vốn điều lệ đăng ký hoạt động trên 1.904 tỷ đồng; doanh thu bình quân một HTX là 850 triệu đồng/năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 17.617 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ, chiếm 61,86% tổng số thu nội địa trên địa bàn tỉnh…
Có thể bạn quan tâm