Tuyên Quang: Thu hút đầu tư vào các KCN, CCN
Các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
Quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động, tạo cú huých trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh.
Các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
Tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư
Ngay từ khi được thành lập, KCN Long Bình An (TP Tuyên Quang) đã trở thành điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp. Đến nay đã có 18 doanh nghiệp đầu tư vào KCN Long Bình An, tỷ lệ lấp đầy đạt 90,3%. Ngoài các dự án lớn đã hoạt động lâu năm như: Công ty may MSA-YB, Công ty cổ phần Bột giấy và Giấy An Hòa, Công ty TNHH Seshin VN2… KCN Long Bình An tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang.
Dự án mới nhất đầu tư vào KCN Long Bình An là Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA của Nhật Bản. Dự án đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm khác từ gỗ như viên nén sinh khối, dăm gỗ; công suất thiết kế 150.000 tấn sản phẩm/năm và dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 480 tỷ đồng, hứa hẹn đem lại công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Với diện tích rừng sản xuất 38.000 ha, đặc biệt là gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, sản lượng khai thác gần 400 nghìn m3/năm, huyện Yên Sơn cũng đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đầu tư vào CCN Thắng Quân. Tại CCN Thắng Quân đã có 3 doanh nghiệp lớn đầu tư gồm: Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, dự án sản xuất gỗ nội thất ACACIA Việt Nam của Công ty TNHH ACACIA Woodcraft với tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng và dự án sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Huiling Wood Products Việt Nam. Chỉ riêng Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã có 3 nhà máy chế biến gỗ được xây dựng tại cụm công nghiệp với công suất chế biến 300 nghìn m3/năm.
Ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang hiện có 2 KCN, 6 CCN. Các KCN, CCN được hình thành, phát triển đã tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thành lập mới 6 KCN
Theo Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Tuyên Quang sẽ thành lập mới 6 KCN. 3 KCN phân bổ theo Quyết định 326/ QĐ – TTg ngày 9/3/2022 gồm một khu đã thành lập là KCN Long Bình An (170 ha, TP Tuyên Quang); 2 KCN sẽ thành lập mới là KCN Nhữ Khê - Đội Cấn (bám dọc đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, 75 ha, TP Tuyên Quang và huyện Yên Sơn); KCN Tam Đa (75 ha, nằm tại huyện Sơn Dương).
4 KCN sẽ được thành lập mới khi tỉnh được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất gồm KCN Tân Long ( TP Tuyên Quang); KCN Nhữ Khê (huyện Yên Sơn); KCN Nam Sơn Dương (huyện Sơn Dương) và KCN Thái Sơn - Thành Long (huyện Hàm Yên).
Về quy hoạch cụm công nghiệp (CCN), đến năm 2030, Tuyên Quang sẽ có 24 CCN, trong đó, có 4 CCN đã thành lập; một CCN đã thành lập, được dự kiến mở rộng; một CCN được nghiên cứu thành lập cụm công nghiệp trên diện tích quy hoạch KCN cũ và 18 CCN được thành lập mới.
Cũng theo quy hoạch, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Các KCN, CCN phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh.
Trong thời gian tới, Tuyên Quang tập trung phát triển, mở rộng các KCN, CCN theo hướng chuyên ngành, định hướng sản phẩm công nghệ cao, ngành nghề không ô nhiễm, có chọn lọc. Bảo đảm liên kết hạ tầng đồng bộ các đô thị và các ngành dịch vụ khác gắn liền với phát triển khu, cụm công nghiệp. Phát huy lợi thế về giao thông đối nội, đối ngoại nhằm phát triển bền vững, có hiệu quả. Xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nền tảng để phát triển bền vững.
Mở rộng, thành lập mới các KCN, CCN cộng với môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng sẽ tạo sức hút với các nhà đầu tư. Đây cũng chính là cơ hội để tỉnh phát triển, góp phần tích cực vào việc tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước.
Theo quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. |
Có thể bạn quan tâm