Trung Quốc – thị trường tiềm năng lớn của nông sản Việt  

THY HẰNG 13/12/2023 02:30

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng thúc đẩy hợp tác bền vững nhiều lĩnh vực tiềm năng của hai nước trong đó có nông sản.

>>>Gạo Việt "thừa thắng xông lên", doanh nghiệp vẫn "dè chừng"

11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước ước đạt 47,84 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất mức 23,2%, tăng 18%.

Một trong những “át chủ bài” của nông sản những tháng đầu năm là rau quả cũng “toả sáng” ở thị trường này.

Một trong những “át chủ bài” của nông sản những tháng đầu năm là rau quả cũng “toả sáng” ở thị trường này.

Đứng đầu các thị trường

Là thị trường tỷ dân, Trung Quốc được đánh giá là hấp thụ nông sản nhiều nhất thế giới. Nói như vị lãnh đạo một doanh nghiệp: “Nếu hàng chất lượng ổn định, Việt Nam chỉ lo chưa cung ứng kịp chứ chẳng sợ họ không mua”.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi 10 năm qua, từ 3,8 tỷ USD năm 2013 lên 6,8 tỷ USD vào năm ngoái.

Một trong những “át chủ bài” của nông sản những tháng đầu năm là rau quả cũng “toả sáng” ở thị trường này. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, các doanh nghiệp rau quả đang mong chờ những thông tin hợp tác từ chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp, giúp xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng ấn tượng. Điển hình như mặt hàng sầu riêng, năm ngoái Việt Nam chỉ xuất được khoảng 300 triệu USD, nhưng từ khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch (tháng 7/2022) xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục, và dự báo năm nay có thể đạt 2,3 tỷ USD. Điều này cũng giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam sớm vượt mốc hơn 5 tỷ USD chỉ trong 11 tháng.

Ông Nguyên nhận định, các FTA song phương cũng như việc hai nước đều tham gia Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Nghị định thư giữa hai nước đã giúp trái cây, rau củ xuất đi tăng vọt.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô - đánh giá dư địa xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn và cần phải khai thác tốt hơn nữa.

Theo bà Vy, hiện 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc, tuy nhiên xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của sầu riêng Việt Nam mới chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan và Malaysia.

“Nhiều người Trung Quốc chưa được ăn sầu riêng, nhiều tỉnh ở Trung Quốc chưa có sầu riêng, đó là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Thực tế các đối tác của Chánh Thu cũng yêu cầu rất nhiều nhưng công ty hiện mới chỉ cung cấp được khoảng 1/10”, bà Vy cho hay.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ USD năm 2022, gấp hơn 4 lần so với 2014. Hàng Việt sang Trung Quốc hiện gấp gần 2 lần xuất sang Mỹ, 5 lần Nhật Bản. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Trong tháng 11, các lô tổ yến chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc.

Bên cạnh các mặt hàng nông sản trên, thuỷ sản cũng là điểm sáng. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 11, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh từ nay đến tháng 2/2024 để phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm và Tết Nguyên đán.

 từ khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch (tháng 7/2022) xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục, và dự báo năm nay có thể đạt 2,3 tỷ USD.

Từ khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch (tháng 7/2022) xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục, và dự báo năm nay có thể đạt 2,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, Trung Quốc có tính đa dạng cao nên sẽ có nhiều cơ hội cho các sản phẩm, như cá tra, nhờ giá thành cạnh tranh. Ngoài ra nước này cũng có lượng khách hàng cao cấp nên phù hợp với những sản phẩm tôm chế biến sâu, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng cần tập trung phát triển.

>>>Gặp khó ở thị trường chính, xuất khẩu viên nén gỗ có "về đích"?

Không còn “dễ tính”

Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đang gặp khó với vấn đề xử lý rào cản kỹ thuật tại thị trường Trung Quốc, thị trường này đã không còn là thị trường “dễ tính”. Nói như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: "Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam".

Thị trường này cũng có nhiều rào cản, như hạ tầng biên giới, nhất là thương mại thiếu, yếu. Hàng nông, thủy sản chủ yếu xuất bán theo đường tiểu ngạch, số lượng, chất lượng và giá thiếu ổn định.

Khó khăn nữa là các cửa khẩu chính, phụ vẫn hoạt động theo lối truyền thống. Việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại do những quy định còn khác nhau giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Vinafruit cũng cho rằng, việc Trung Quốc siết tiểu ngạch và chuyển hướng sang chính ngạch khiến "cửa" xuất nông sản bị siết khi phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, bao bì đóng gói...

Ngoài ra, Việt Nam cũng cạnh tranh quyết liệt với hàng nội địa Trung Quốc và các nước lân cận. Ông phân tích, trước đây các loại rau quả nhiệt đới như thanh long chỉ Việt Nam có, nay Trung Quốc đang vượt sản lượng và bán với giá rẻ. Hay sầu riêng Việt - trái cây chiếm thị phần lớn thứ hai tại Trung Quốc, sau Thái Lan - cũng đang phải cạnh tranh từ Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Bộ NN&PTNT cho biết đã góp ý dự thảo Nghị định thư về kiểm soát thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; tiếp tục xử lý vướng mắc xuất khẩu tôm hùm bông sống; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu trên Hệ thống CIFER; đề nghị bổ sung loài, sản phẩm mới vào danh mục được phép xuất khẩu.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải cùng nhau thay đổi, tổ chức lại sản xuất, vùng trồng và chế biến. Tức là, nhà sản xuất cần bỏ suy nghĩ Trung Quốc dễ tính, và xác định đây là thị trường tiêu chuẩn cao, kiểm soát khắt khe để sản xuất "chuẩn" về chất lượng. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chuyển nhanh từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch, cập nhật thị hiếu mới của Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều dư địa cho xuất khẩu nông sản khởi sắc hơn

    03:00, 20/11/2023

  • Tăng cường phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

    01:47, 16/11/2023

  • Doanh nghiệp “bắt tay” thúc đẩy logistics cho nông sản

    02:30, 08/11/2023

  • Xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng mạnh vào thị trường tỷ dân

    00:10, 24/10/2023

  • Phối hợp đa ngành đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

    11:30, 22/10/2023

  • Nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Tây Bắc và kỳ vọng tháo gỡ "nút thắt" chuỗi nông sản

    11:06, 22/10/2023

THY HẰNG