Gia Lai: Chủ động bảo vệ, quản lý khoáng sản
Gia Lai vốn giàu về khoáng sản thường xuyên đối mặt với nạn khai thác trái phép, do đó địa phương đang siết chặt công tác quản lý để bảo vệ nguồn tài nguyên.
>>Gia Lai: Tạm dừng nạo vét khoáng sản lòng hồ thuỷ điện Ia Ly
Huyện Chư Sê của tỉnh Gia Lai vừa tiến hành triệt phá nhóm người khai thác đá cây, một loại đá có giá trị trên thị trường.
Theo đó, ngày 3/12, UBND xã HBông phối hợp với công an huyện Chư Sê tổ chức triệt phá một vị trí khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Cheng Leng, xã HBông, huyện Chư Sê. Điểm vi phạm thuộc lô 28, khoảnh 1, tiểu khu 1064 thuộc rừng phòng hộ do UBND xã HBông quản lý, trạng thái đất nông nghiệp.
Tang vật tại hiện trường có khoảng 67 cục đá có kích thước từ 1-3m, đường kính từ 1,5-2m và 01 máy đào hiệu KoMatSu màu vàng, bánh xích.
Ngay sau khi phát hiện, UBND xã HBông đã lập biên bản tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm. Huyện Chư Sê cũng đã có văn bản gửi đến Công an, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Tài chính-Kế hoạch, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện và UBND xã HBông. Trong đó, đề nghị Công an huyện xác minh, làm rõ tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tại khu vực nêu trên. Xác minh làm rõ chủ phương tiện, xác minh lỗi, hành vi của chủ phương tiện đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Trước đó, UBND huyện Chư Păh cũng đã phát hiện và triệt phá nhóm người khai thác đã trái phép. Tang vật thu giữ là hàng ngàn viên đá chẻ.
Theo ông Nay Kiên – Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết “người dân thường lợi dụng việc cải tạo đất ruộng để khai thác đá trái phép. Địa phương cũng đã giao cho ngành chuyên môn, cấp cơ sở chủ động kiểm tra rà soát để có giải pháp quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên”.
>>Cần thiết sửa Luật Khoáng sản
Theo thống kê của ngành Tài nguyên Môi trường, từ đầu năm đến nay địa phương đã xử lý hàng chục vụ vi phạm pháp luật về khoáng sản. Số liệu theo giai đoạn 2017 đến 2022 tỉnh Gia Lai đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 623 trường hợp với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân là tỉnh Gia Lai có diện tích lớn, các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh có trữ lượng nằm phân tán, đi lại khó khăn, các đối tượng lợi dụng thời gian ban đêm, các ngày nghỉ để thực hiện việc khai thác khoáng sản trái phép.
Đại diện doanh nghiệp khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Đăng Vương nói “việc quản lý chặt tài nguyên khoáng sản sẽ giúp cho doanh nghiệp được cấp quyền khai thác không bị cạnh tranh bởi tài nguyên lậu. Đồng thời giúp thị trường minh bạch hoá giá cả, người tiêu dùng được hưởng lợi. Bên cạnh đó tài nguyên khoáng sản của địa phương được bảo vệ”.
Có thể bạn quan tâm