Doanh nghiệp là "nòng cốt" trong đào tạo kỹ năng lao động
Áp lực về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đã đặt ra những thách thức trong dịch chuyển việc làm và kỹ năng lao động, đòi hỏi việc đào tạo, đào tạo lại phải thích ứng.
>>>VCCI thúc đẩy phát triển kỹ năng lao động hướng tới công bằng
Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại tại Doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn doanh nghiệp Nauy (NHO).
Tại Hội thảo “vai trò của doanh nghiệp trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại tại Doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các vấn đề đặt ra trong tình hình mới đang có tác động không nhỏ đến thị trường lao động tại Việt Nam, khu vực và thế giới.
Theo đó, áp lực về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đã đặt ra những thách thức trong dịch chuyển việc làm và kỹ năng đáp ứng công việc đồng thời cũng tạo ra cơ hội việc làm và nghề nghiệp mới. Những tác động này dự kiến sẽ ngày càng gia tăng. Khi các ngành và nghề mới xuất hiện, cũng như khi sự thay đổi công nghệ thì việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động cần phải được thực hiện kịp thời hơn để đáp ứng những nhu cầu thay đổi này.
Do đó, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, phát triển kỹ năng cần được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức liên quan đặc biệt doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng nói chung và phát triển kỹ năng xanh phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hướng tới chuyển đổi công bằng và phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, khoảng 97% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong khi lực lượng lao động có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở mức chưa cao (26,2%) trong tổng số trên dưới 54 triệu người trong lực lượng lao động. Vì chất lượng lao động chưa làm hài lòng phần lớn doanh nghiệp, khiến tỷ lệ chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp dành cho đào tạo nâng cao kỹ năng lao động cũng tăng lên.
Vì vậy, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp tham gia và thực hiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và tạo việc làm bền vững cho người lao động trong tình hình mới.
Cho biết Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại tại Doanh nghiệp” được tổ chức trong bối cảnh yêu cầu phát triển nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra, bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Phó Chủ tịch VCCI cho biết thêm, trong những năm gần đây, thậm chí những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đang chịu tác động bởi các đơn hàng bị cắt giảm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, do đó cần tiếp tục tăng cường đào tạo, đào tạo lại duy trì việc làm cho người lao động.
>>>69% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động
Trong bối cảnh đó, ông Hoàng Quang Phòng đề nghị các bên tham gia phối hợp vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, từ đó xây dựng và phát triển các mô hình tốt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả công tác đào tạo và tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường góp phần cải thiện chất lượng nguồn lao động, đáp nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời người lao động có cơ hội được nâng cao trình độ kỹ năng và đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo để nâng cao khả năng phát triển nghề nghiệp.
Tại Hội thảo, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết thực tế, bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu, sự thay đổi nhân khẩu học, thực hiện xoá đói giảm nghèo, hậu Covid-19 và xu hướng toàn cầu hoá đã đặt ra những thay đổi của thị trường lao động và những đòi hỏi mới về kỹ năng của người lao động.
Trong khi đó, cơ chế, chính sách của Nhà nước về thu hút, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng còn hạn chế. Các doanh nghiệp chưa có chính sách đãi ngộ người lao động sau khi tham gia đào tạo, được công nhận trình độ kỹ năng.
Từ thực tế này, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên chia sẻ, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Theo đó, xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.
Xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và TTLĐ theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.
Đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động thông qua nâng cao năng lực, phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về cung, cầu đào tạo nghề nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Năng suất Việt Nam thấp do "thiên lệch" thâm dụng lao động
01:12, 13/12/2023
69% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động
02:00, 10/12/2023
VCCI thúc đẩy phát triển kỹ năng lao động hướng tới công bằng
10:35, 07/12/2023
Hà Nội: lao động thất nghiệp tăng hơn 10.000 người
13:14, 11/12/2023
Hà Nội: lao động thất nghiệp trên tăng hơn 10.000 người
13:07, 11/12/2023
Phát triển kỹ năng lao động - giảm thiểu tác động tiêu cực trong tương lai
00:40, 08/12/2023