"Hé lộ" bức tranh kinh tế châu Âu năm 2024

TRƯỜNG ĐẶNG 16/12/2023 04:00

Bất chấp việc ngừng tăng lãi suất, triển vọng kinh tế khu vực đồng tiên chung Euro (Eurozone) được dự báo vẫn chưa thể tươi sáng hơn trước thời điểm cuối năm 2024.

ECB hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế EU trong năm 2023 và 2024

ECB hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế EU trong năm 2023 và 2024

Ngày 14/12/2023, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 do tác động của lãi suất cao đến nền kinh tế Eurozone. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Eurozone dự báo đạt 0,8% trong năm 2024, thấp hơn so với mức 1% dự báo trước đó.

>>ECB có lý do để sớm cắt giảm lãi suất

Triển vọng tiêu cực đó diễn ra cùng ngày với tuyên bố của Ngân hàng này về việc tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay. Đây là lần thứ hai liên tiếp ECB giữ nguyên lãi suất sau một thời gian tăng lãi suất lịch sử nhằm kiềm chế lạm phát. Dự báo tăng trưởng năm nay cũng chỉ ở mức 0,6%, tiêu cực hơn mức 0,7% trước đó.

Chờ đợi tín hiệu "sáng" cuối 2024

GDP của Eurozone đã trì trệ từ quý 4/2022 cho tới quý 3/2023, với mức tăng trưởng bằng 0 trong thời gian này. Tiêu dùng cá nhân và đầu tư đã giảm sút bởi quy mô tăng lãi suất chưa từng có của ECB suốt từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023. Điều này khiến nhu cầu vay vốn của các công ty và hộ gia đình giảm sút và các điều kiện cho vay của ngân hàng bị thắt chặt mạnh mẽ.

Một số tín hiệu cho thấy sự suy giảm đã chạm đáy trong năm 2023, mở ra triển vọng sáng hơn trong năm sau

Một số tín hiệu về PMI và tiền lương cho thấy sự suy giảm đã chạm đáy trong năm 2023, mở ra triển vọng sáng hơn trong năm sau

Theo các chuyên gia, tác động của việc thắt chặt tiền tệ có độ trễ nên hiệu ứng của lãi suất cao được dự báo vẫn sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế khu vực trong một hoặc hai quý đầu năm 2024. Dù điều này có thể khiến nhu cầu trong nước suy yếu nhưng các chuyên gia không cho rằng đà giảm tăng trưởng sẽ kéo dài toàn bộ năm sau. Tuy nhiên, các dự báo cho rằng các tín hiệu tích cực hơn sẽ chỉ xuất hiện vào những tháng cuối của năm 2024.

Một số yếu tố hỗ trợ GDP của khối được các chuyên gia ngân hàng ABN Ambro có trụ sở ở Hà Lan chỉ ra. Đầu tiên, đã có một số dấu hiệu ban đầu về việc thương mại và công nghiệp toàn cầu đang chạm đáy vào thời điểm hiện tại. Tín hiệu đảo chiều sẽ mang lại lợi ích cho ngành xuất khẩu và công nghiệp EU vốn đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ những tháng cuối năm 2022.

Tiếp theo, việc các ngân hàng trung ương lớn - như FED hay ECB - kết thúc các đợt tăng lãi suất đã khiến tâm lý người tiêu dùng và nhà sản xuất lạc quan hơn, mặc dù lo ngại vẫn chiếm áp đảo. Khi niềm tin của người tiêu dùng chạm đáy, họ có thể sẽ lại chi tiêu phần thu nhập lớn hơn sau khi tỷ lệ tiết kiệm tăng cao hơn trong năm nửa đầu năm 2023.

Vào năm 2024, thời điểm diễn ra các đợt giảm lãi suất của FED hay ECB sẽ là chủ đề được giới kinh tế toàn cầu quan tâm. Bất cứ tín hiệu đảo chiều nào về chính sách cũng sẽ giúp khôi phục niềm tin tiêu dùng và đầu tư hơn nữa nhờ các điều kiện tài chính được nới lỏng.

Chưa kể, dòng đầu tư sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các nguồn vốn từ công cụ Hỗ trợ Phục hồi Châu Âu (RRF), dự kiến sẽ bằng khoảng 0,3% GDP của toàn khối vào năm 2024 và 2025.

Cuối cùng, tiêu dùng tư nhân sẽ được hưởng lợi từ việc tăng trưởng tiền lương thực tế khi lạm phát sẽ giảm hơn nữa. Chuyên gia Aline Schuiling từ Ngân hàng ABN Ambro dự đoán mức tăng trưởng tiền lương có thể sẽ chậm lại đáng kể vào năm 2024, nhưng sẽ vẫn cao hơn lạm phát – một yếu tố quan trọng khích lệ các nhà sản xuất nhiều hơn.

>>Tâm lý "e ngại" Trung Quốc lan rộng khắp châu Âu

Lạm phát EU đã giảm mạnh kể từ đỉnh 10,6% vào năm ngoái. Lạm phát cơ bản, lạm phát dịch vụ tháng 11 đã giảm nhiều hơn dự kiến - xuống 4,0% - từ mức 4,6% trong tháng 10. Tỷ lệ lạm phát của hàng công nghiệp phi năng lượng cũng giảm trong tháng 11, từ 3,5% xuống 2,9%. Phần lạm phát này đã có xu hướng giảm rõ ràng kể từ đầu năm 2023 do các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được nới lỏng và nhu cầu hàng hóa toàn cầu yếu. Với những chỉ báo đó, xu hướng này sẽ tiếp tục một thời gian trong năm 2024.

Trong tương lai, bà Aline Schuiling cho rằng lạm phát tổng thể có thể tạm thời tăng trở lại trong những tháng tới, do giá năng lượng gia tăng. Tuy nhiên, về cơ bản các thành phần của lạm phát phi năng lượng sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian còn lại của năm 2023 và trong nửa đầu năm 2024, theo nhóm chuyên gia ABN Ambro. Nhìn chung, lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản của Eurozone được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 2% của ECB vào khoảng giữa năm 2024.

Dù vậy vẫn còn nhiều thách thức khiến ECB rất cẩn trọng về tăng trưởng

Dù vậy vẫn còn nhiều thách thức khiến ECB duy trì tâm lý cẩn trọng về chính sách tiền tệ

Thách thức chưa giảm nhẹ

Dù vậy, những tín hiệu cẩn trọng vẫn phổ biến. Trước hết, việc làm dự kiến sẽ giảm vào năm 2024 nhiều khả năng sẽ hạn chế sự gia tăng tiêu dùng. Bà Schuiling cho hay năng suất lao động giảm trong giai đoạn quý 4/2022 - quý 3/2023 có khả năng đảo ngược trong thời gian tới, dẫn đến tình trạng giảm thuê mướn và tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Tiếp đó, chính sách tài khóa được dự báo sẽ thắt chặt đáng kể vào năm 2024 sau 2 năm các chính phủ hỗ trợ giới doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng và đại dịch. Việc mở rộng chi tiêu công đã dẫn đến thâm hụt ngân sách tăng mạnh và tỷ lệ nợ chính phủ cao hơn trên toàn khu vực đồng euro. Do đó, EC ước tính rằng việc cắt giảm các biện pháp hỗ trợ sẽ làm giảm tổng thâm hụt ngân sách khu vực đồng euro khoảng 0,8 điểm phần trăm GDP vào năm 2024.

Liên quan tới khả năng đảo chiều chính sách lãi suất, các chuyên gia từ ABN Ambro dự báo thời điểm tháng 6/2024 có thể là đợt hạ lãi suất đầu tiên của ECB. Cụ thể, dự báo lãi suất tiền gửi sẽ giảm xuống 2,75% vào cuối năm 2024 và cuối cùng sẽ đạt 1,5% trong thời gian 2025. Từ nay cho tới lúc đó, ECB sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức hiện tại.

Có thể bạn quan tâm

  • Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?

    Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?

    03:00, 15/12/2023

  • Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam

    Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam "mở khóa" trí thức người Việt tại châu Âu

    14:07, 12/12/2023

  • Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

    Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

    03:00, 12/12/2023

  • "Phiêu lưu" năng lượng, châu Âu trả giá đắt!

    04:30, 09/12/2023

TRƯỜNG ĐẶNG