Thấy gì sau 1 năm triển khai kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông?
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 của Hội đồng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, báo cáo của 4 tỉnh, thành phố đều cho thấy những dấu ấn nổi bật sau một năm triển khai.
>>>Tổng kết Hội đồng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông năm 2023: Tăng trưởng ấn tượng!
>>>Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Vạn sự khởi đầu nan
Dấu ấn liên kết di sản
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2023 của 4 địa phương trong Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC) ước tính đều tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của các tỉnh, thành phố gồm TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương, và tỉnh Hưng Yên lần lượt là 10,34%, 11,02%, 8,16% và 10,05%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của bốn địa phương thuộc VEHEC đều cải thiện hơn 6 điểm phần trăm, và cao hơn đáng kể so với trung bình cả nước (1%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố Hải Phòng ước tính tăng 13,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13,45%, ngành khai khoáng tăng 41,41% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng khoảng 10,09% so với cuối năm 2022. Các giá trị tương ứng của tỉnh Hải Dương và Hưng Yên lần lượt là 7,9% và 6,06%. Điều đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo ở cả 4 địa phương đã có sự phục hồi rõ rệt so với những tháng đầu năm 2023 và có mức tăng trưởng cùng kỳ vượt trội so với tăng trưởng trung bình toàn quốc (1,1%). Trong đó, Quảng Ninh và Hải Phòng có sự cải thiện kết quả IIP ấn tượng với giá trị lần lượt là 19,19% và 13,45%.
Không chỉ là tăng trường kinh tế, ở nhiều lĩnh vực khác các địa phương đều đạt được kết quả tích cực.
Ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Ngay sau khi Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông đã được ký kết (ngày 28/7/2022), tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tích hợp triển khai các giải pháp để thực hiện 8 nội dung liên kết trong các lĩnh vực gồm: Xúc tiến thương mại đầu tư; Giao thông và logistics; Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; phát triển du lịch, dịch vụ; Cải thiện môi trường kinh doanh; Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; Nông nghiệp, chế biến nông sản và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh giáp với các địa phương trong VEHEC gồm TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, chúng tôi đã có ký kết giữa 3 tỉnh, thành phố; ngoài ra, Quảng Ninh cũng đã ký kết song phương với Hải Phòng. Đồng thời, xác định các địa phương trong VEHEC “muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Cũng theo ông Huy, quy hoạch vùng rất quan trọng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong quá trình triển khai, đề nghị các địa phương trong vùng phải có sự phối hợp với nhau để triển khai các đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải đồng thuận với nhau để kiến nghị đề xuất chính sách, đảm bảo sự phát triển của vùng.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ: “Mặc dù VEHEC mới thành lập được 1 năm, tuy nhiên trong năm 2023, đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, chúng ta cũng đã hoàn thiện và xây dựng đề án thành lập hội đồng vùng. Đồng thời, đã tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư đến một số quốc gia; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn. Với kết quả như vậy đã đóng góp cho sự liên kết, phát triển kinh tế - xã hội của 4 địa phương; thúc đẩy thu hút đầu tư FDI và thúc đẩy kết nối giao thông tại 4 địa phương tốt hơn”.
Ông Tùng nhấn mạnh, “Dấu ấn nổi bật, là thông qua các hoạt động liên kết, hỗ trợ này, Hải Phòng cùng với Quảng Ninh đã được UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, giữa Hải Phòng và Quảng Ninh gần đây đã triển khai một số công trình kết nối hạ tầng giao thông. Đối với Hải Dương, Hưng Yên, chúng tôi cũng rất tích cực trong việc kết nối giữa 2 địa phương này”.
“Năm 2024, TP Hải Phòng cũng thống nhất với sáng kiến thành lập hội đồng vùng. TP Hải Phòng cũng đề xuất, với các địa phương phát triển hạ tầng KCN nên có sự thống nhất về giá thuê đất trong các KCN để tránh tình trạng nơi thấp quá, nơi cao quá. Mỗi địa phương cũng nên chọn các định hướng phát triển theo lợi thế, mũi nhọn của từng địa phương để tránh sự chồng chéo, cạnh tranh trong phát triển. Đồng thời, đề nghị các địa phương liên kết, phát triển sản phẩm du lịch liên vùng và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của các địa phương”, ông Tùng đề xuất.
Cần liên kết chặt chẽ hơn nữa
Ông Lê Văn Hiệu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ: “VEHEC là một sáng kiến quan trọng để thực hiện các chủ trương, định hướng lớn về liên kết vùng; phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Để VEHEC hoạt động hiệu quả, thiết thực, tỉnh Hải Dương đề nghị VCCI và các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, các hoạt động hợp tác, liên kết; đề nghị 3 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên tiếp tục quan tâm, phối hợp với tỉnh Hải Dương ưu tiên, dành các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông kết nối. Đồng thời, đề nghị VCCI và các bên có liên quan cùng với tỉnh Hải Dương đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, khai thác tốt lợi thế của trục cao tốc phía Đông”.
Ông Hiệu cũng đề nghị VEHEC cần phát huy vai trò trong nghiên cứu, vận động chính sách. Từ đó, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp từ chính sách, thể chế. Tỉnh Hải Dương đánh giá cao việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp tiểu vùng trục cao tốc phía Đông. Đồng thời, kỳ vọng hội đồng sẽ liên kết cộng đồng doanh nghiệp 4 tỉnh, thành phố, đóng vai trò quan trọng trong việc trong phát triển doanh nghiệp tiểu vùng. Ngoài ra, 4 địa phương cần nghiên cứu để kết nối phát triển sản phẩm OCOP để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp bên cạnh tập trung cho công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Còn ông Nguyễn Lê Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, Hưng Yên với vai trò là đồng chủ tịch VEHEC đã cùng triển khai các nội dung trong thỏa thuận VEHEC. Đối với Hưng Yên, thời gian qua, địa phương đã tập trung cho việc phát triển hạ tầng và đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN. Thu hút đầu tư FDI trên địa bàn hiện đạt khoảng 900 triệu USD, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đến tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại Hưng Yên.
“Chúng tôi đã thấy rõ vai trò của việc tham gia vào Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Đặc biệt là việc tham gia các diễn đàn, hội thảo, đoàn xúc tiến đầu tư. Chúng tôi nhận thấy đã có sự liên kết trong các đoàn xúc tiến thương mại của VCCI tổ chức khi có sự tham gia của lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Huy cho biết thêm, trong quy hoạch tỉnh vừa rồi, địa phương cũng tạo thành 2 trục dọc và 5 trục ngang. 2 trục dọc phát triển kinh tế nằm dọc theo tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Còn trục ngang là phát triển kinh tế đô thị xanh. Đây cũng là điểm nhấn để Hưng Yên tạo được sự liên kết và phát huy thế mạnh trong vùng. Sau khi triển khai thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, Hưng Yên đã thỏa thuận thống nhất với Hải Dương trong việc triển khai các dự án giao thông để kết nối 2 địa phương với nhau và kết nối với các tỉnh, thành lân cận.
“Trong gian đoạn tới, tỉnh Hưng Yên cũng mong muốn tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại. Đồng thời, mong muốn có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tỉnh, thành phố trong hội đồng và nhận được sự kết nối từ phía VCCI. Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị VCCI quan tâm, tổ chức thêm nhiều diễn đàn, hội thảo, đặc biệt là các đợt xúc tiến đầu tư với các đối tác chiến lược để phát huy hiệu quả của các địa phương hơn nữa trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị.
Ra mắt Hội đồng doanh nghiệp vùng
Cũng tại hội nghị tổng kết, với sự nhất trí cao của các bên, Hội đồng doanh nghiệp vùng đã chính thức ra mắt, Hội đồng bao gồm: Hiệp hội doanh nghiệp 4 tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng Hải Dương, Hưng Yên. Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Bắc Hà, Trưởng Ban hội viên và đào tạo VCCI đồng chủ tịch cùng 3 phó chủ tịch và 15 uỷ viên.
Hội đồng doanh nghiệp vùng được thành lập nhằm tạo cơ chế kết nối doanh nghiệp của mỗi địa phương và các địa phương với nhau, mở rộng không gian phát triển kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp. Đồng thời, khai thác các cơ hội và phát huy tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp và địa phương trong các hoạt động kinh tế thông qua các hoạt động hợp tác, liên kết theo địa bàn, ngành hàng, sản phẩm, dịch vụ.
Qua đó, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn. Tạo động lực nâng cao số lượng và chất lượng doanh nghiệp trên địa bàn. Thúc đẩy, cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương. Tạo mô hình điểm trong triển khai các liên kết doanh nghiệp theo mô hình vùng theo Nghị quyết của Chính phủ.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vùng nhấn mạnh: “Hội đồng doanh nghiệp vùng sẽ đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, kết nối doanh nghiệp 4 tỉnh, thành phố, tìm kiếm cơ hội đầu tư, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư kinh doanh tại 4 tỉnh, thành phố trong vùng. Hội đồng doanh nghiệp vùng mong được sự quan tâm và tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo, các sở, ban, ngành địa phương của 4 tỉnh, thành phố; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi và an toàn”.
Có thể bạn quan tâm