Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ
Đó là ý kiến của ông Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Đại hội Doanh nhân trẻ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028.
>>Hội nghị quốc tế về hợp tác và phát triển cho doanh nhân trẻ
Chiều ngày 16/12, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028. Đại hội đã tổng kết nhiệm kỳ vừa qua với nhiều thành tích đáng ghi nhận cũng như các thách thức từ thiên tai, dịch bệnh,...
Theo báo cáo, hiện nay Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 140 hội viên. Trong nhiệm kỳ VI, Hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển doanh nghiệp bền vững, trong đó trọng tâm là 3 chương trình hành động gồm Hỗ trợ phát triển cộng đồng khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh và kết nối mở rộng thị trường; Xây dựng văn hoá doanh nhân.
Nhiệm kỳ vừa qua, tình hình nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, bão lụt kéo dài năm 2020 và suy thoái kinh tế đã tác động toàn diện và sâu rộng tới mọi mặt của kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà trực tiếp là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, đại dịch, suy thoái kinh tế toàn cầu còn hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực từ quốc tế, hạn chế sự tương tác, gặp gỡ, trao đổi kinh doanh … nhưng cũng là động lực cho sự đổi mới, sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hội viên vẫn đang tạo việc làm cho trên 2.500 người lao động, với hơn 1200 sản phẩm dịch vụ, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng và đóng góp cho các hoạt động xã hội hơn 3 tỷ đồng.
Trao đổi tại Đại hội, ông Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn bị ảnh ảnh tiêu cực. Theo ông Phương, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên các chính sách này chưa đến được tay doanh nghiệp.
“Đầu tiên là chính sách hỗ trợ 2% lãi vay, rồi tiền thuế, tiền thuê đất, cộng đồng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Trên địa phương cả nghìn doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn mười doanh nghiệp được tiếp cận với số kinh phí được hỗ trợ mấy trăm triệu so với nhu cầu hàng chục tỷ”, ông Phương nói. Cùng với đó, ông Phương cũng nói đến vấn đề lãi tín dụng, hiện nay Thừa Thiên Huế tăng trưởng tín dụng huy động trên 13,5%, nhưng dư nợ cho vay chỉ hơn 5%. Và thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức cần có sự vào cuộc của tất cả các ngành.
Ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thời gian tới các hoạt động của Hội sẽ được triển khai theo định hướng vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hội viên cũng vừa vì cuộc sống cộng đồng, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên khó khăn.
Theo ông Minh, mục tiêu chung của nhiệm kỳ 2023 – 2028 là tăng cường đoàn kết, xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Hội Doanh nhân trẻ vững mạnh, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực đối với hội viên. Đồng thời, đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên và tập hợp mạng lưới doanh nhân trẻ từ các huyện thị và thành phố.
“Phát huy hết vai trò của đội ngũ Doanh nhân trẻ, hỗ trợ thanh niên và doanh nhân trẻ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng hành cùng doanh nhân trẻ vượt qua các khó khăn, thách thức, xây hoài bão lớn, đoàn kết sáng tạo, tiến bước vươn xa, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Minh nói.
Tại Đại hội lần này, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Đồng thời, Hội cũng đề ra phương hướng, mục tiêu để tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng doanh nhân trên địa bàn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Có thể bạn quan tâm