Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới
Nghị quyết số 41-NQ/TW đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” trong phát triển nền kinh tế độc lập và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
>>Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Để có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc triển khai thực hiện nghị quyết số 41, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Tại hội thảo khoa học, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định: Nghị quyết 41 có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện rất đúng rất trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” không chỉ góp phần “đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập” mà còn cả “bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Như vậy, vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân đã được nâng tầm và mở rộng hơn nhiều so với Nghị quyết 09. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của Đảng về vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân, nhất là trong thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
Ông Vinh cho biết, xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ sớm. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, sự quan tâm này tiếp tục được nâng lên: từ năm 2004, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam (Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/09/2004).
Năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử có một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011); Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, của doanh nghiệp được hiến định trong Hiến pháp năm 2013;… Quan điểm, chủ trương và sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã tạo niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, vượt qua khó khăn, trở ngại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước thời kỳ đổi mới.
Đặc biệt, ngày 10/10/2023, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp được tiếp thêm động lực khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay thế cho Nghị quyết số 09 - NQ/TW. Nghị quyết 41 ra đời chính là thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển năm 2045.
Để thực hiện được vai trò này, đội ngũ doanh nhân cần phải phát triển lớn mạnh. Nghị quyết 41 đưa ra mục tiêu tổng quát là: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Nghị quyết 41 cũng đưa ra các mục tiêu cho từng giai đoạn đến năm 2030 và 2045, gắn với các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế
Sau hơn 37 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Trong giai đoạn 2011-2022, tổng số có 1.300.659 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 69,11% tổng số DN thành lập kể từ khi có luật doanh nghiệp đến nay.
Hiện nay Việt Nam đã có trên 900 nghìn doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30 nghìn hợp tác xã. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.
Chúng ta đã có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú đô-la" của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu. Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là kết quả của cả một quá trình quyết tâm, nỗ lực, cố gắng phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò to lớn, quan trọng của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nhưng những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu. Đất nước ta cũng đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, đó là: đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Như vậy, chỉ còn 22 năm nữa để đạt được mong ước của Bác Hồ là Việt Nam “sánh vai các cường quốc 5 châu”.
Bối cảnh thế giới lại đang chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ. Những thay đổi toàn diện về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, hội nhập, chuỗi cung ứng,… cùng với xu thế tất yếu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là chuyển đổi số đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi các doanh nhân, doanh nghiệp và mỗi quốc gia phải không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức nhằm phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu phát triển mạnh về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: Hội thảo là một trong những hoạt động để nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nhân cùng trao đổi, thảo luận về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh mới và về sự phát triển của đội ngũ doanh để xứng tầm với vai trò này. Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ được chắt lọc để Ban tổ chức tổng hợp, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm đưa ra các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 41-NQ/TW: Phát triển đội ngũ doanh nhân đủ tâm và tầm
05:05, 12/12/2023
Nghị quyết số 41-NQ/TW: Liên kết để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
04:05, 10/12/2023
Nghị quyết 41/NQ-TW: Cần một cơ chế đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp
02:46, 08/12/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách thúc đẩy ngành dệt may phát triển
01:30, 15/12/2023
Nghị quyết số 41-NQ/TW: Gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích đất nước
12:00, 02/12/2023