Lý do Nhật Bản gần gũi ASEAN hơn các cường quốc khác
Kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước, quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN ngày càng tiến bộ và hiện đang bước vào kỷ nguyên mới.
Cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò hạt nhân phần nào khiến các quốc gia trung lập thấy khó xử, mà ASEAN là một ví dụ. Sự dè chừng từ việc quá thân thiết với một bên phần nào khiến các dự án của Washington và Bắc Kinh tại khu vực này bị trì trệ hơn.
Thế nhưng, điều đó lại cung cấp lợi thế cho một cường quốc khác: Nhật Bản. Đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản mang lại một hàng rào quan trọng về kinh tế chống lại sự lệ thuộc vào các cường quốc, như nguồn vốn, công nghệ và viện trợ.
Cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất khu vực
Trong thập kỷ qua, FDI của Nhật Bản vào các nước ASEAN đạt tổng cộng 198 tỷ USD, sau 209 tỷ USD của Mỹ, nhưng vượt qua con số 106 tỷ USD của Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản thấy đầy rẫy các cơ hội tại các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á và các nhà hoạch định chính sách Tokyo cũng hiểu rõ vai trò địa chính trị của khu vực này nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Sự tham gia bền vững, từ việc hòa giải các xung đột khu vực đến xây dựng các thể chế khu vực, đã giúp Nhật Bản tích lũy được ảnh hưởng đáng kể. Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, doanh nhân và nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á do Viện Yusof Ishak ở Singapore thực hiện, Nhật Bản là đối tác bên ngoài đáng tin cậy nhất trong khu vực.
Sự tin tưởng đó được thể hiện tại Tokyo vào ngày 16-18/12, khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón tiếp lãnh đạo 9 nước thành viên ASEAN và Đông Timor. Cuộc họp mặt này đánh dấu kỷ niệm 50 năm đối thoại giữa Nhật Bản và ASEAN, bắt đầu bằng các cuộc đàm phán gây tranh cãi về cao su tổng hợp.
Ngoại giao “mềm mỏng” của Nhật Bản đối với khu vực có thể coi là một lý do thuyết phục ASEAN. Năm 1977, Thủ tướng Nhật Bản khi đó Fukuda Takeo đã kêu gọi xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng với Đông Nam Á dựa trên quan hệ “trái tim với trái tim”. Các học giả John Ciorciari (ĐH Michigan) và Kiyoteru Tsutsui (ĐH Stanford) đã nhận xét Nhật Bản là một “quyền lực lịch sử” trong khu vực.
Xu hướng tôn trọng, theo các nhà phân tích, đã tạo khác biệt với phong cách thuyết giáo của Mỹ hay tự đề cao của Trung Quốc. Nhật Bản thường không bình phẩm về vấn đề nhân quyền hay chế độ chính trị, đồng thời rất tích cực trong làm việc cấp cao với các chính phủ. Bởi vậy, như bà Emma Chanlett -Avery thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á bình luận, Mỹ đang “theo sau Nhật Bản” ở Đông Nam Á.
Lý do thứ hai, đầu tư tư nhân và viện trợ nhà nước của Nhật Bản đã giúp tạo ra tăng trưởng thực chất và hình ảnh tốt đẹp. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cung cấp đào tạo, chuyên môn và tài trợ trong nhiều thập kỷ cho các quốc gia, như Việt Nam. Hay Ngân hàng Phát triển Châu Á với Nhật Bản là cổ đông lớn nhất, đã đóng vai trò lớn trong việc tài trợ cho sự phát triển khu vực.
Nhật Bản cũng là trung tâm của hai hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong những năm gần đây CPTPP và RCEP, sau khi Mỹ rút lui và Trung Quốc chỉ mới xin tham gia gần đây.
Hiện diện của Nhật Bản ở Đông Nam Á thể hiện rõ nhất ở cơ sở hạ tầng, từ đường sá đến hệ thống xử lý nước thải và nhà máy điện. Đầu năm nay, Nhật hoàng đã được chào đón nồng nhiệt tại Indonesia, nơi ông đi tham quan tuyến đường sắt do Nhật Bản hậu thuẫn. Tình cảm tương tự cũng diễn ra ở Phillipines hay Việt Nam.
Nguy cơ soán ngôi cận kề?
Tuy nhiên, Nhật Bản đang có nguy cơ bị soán ngôi khi Đông Nam Á ngày càng phát triển. Khu vực đã trở thành trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và chứng tỏ là một thị trường đầy tiềm năng.
Hàn Quốc đang trở thành nhà tài trợ tích cực. Trong khi đó, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản về thương mại. Năm 2022, thương mại hàng hóa hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN là 722 tỷ USD, trong khi của Nhật Bản là 269 tỷ USD. Một lý do được nhiều doanh nhân Đông Nam Á thừa nhận là các công ty Nhật Bản quá thận trọng.
Khi thương mại khó khăn hơn, Nhật Bản dường như đang thúc đẩy một vai trò chủ động hơn trong an ninh khu vực. Từ năm 2012 đến nay, Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng với Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Indonesia. Chuyên gia Jay Batongbacal của Đại học Philippines cho biết viện trợ như vậy sẽ giúp ích khi ứng phó với các xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Vào tháng 11, Thủ tướng Kishida đã đến thăm Phillipines và khởi động các cuộc đàm phán về một hiệp ước nhằm củng cố hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Philippines đang nằm trong nhóm đầu tiên trong chương trình viện trợ mới của Nhật Bản tập trung vào trang thiết bị an ninh, cùng với Malaysia, Bangladesh và Fiji.
Sự chuyển dịch về chiến lược tiếp cận của Nhật Bản được cho là phù hợp với nhu cầu ngày càng cao hơn của Đông Nam Á trong cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp hơn. Bằng mũi nhọn mới, Nhật Bản đã chứng minh họ hiểu các đối tác khu vực ra sao, và khó có lý do để lung lay vị thế của Tokyo trong ASEAN.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao ASEAN cần thu hút "viện trợ xanh" từ Nhật Bản?
03:30, 13/12/2023
Vì sao ASEAN cần củng cố quan hệ với Nhật Bản?
04:00, 27/11/2023
Nhật Bản trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư
04:00, 20/10/2023
ASEAN "bắt tay" Nhật Bản thúc đẩy kinh tế số
03:30, 13/09/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XVIII): Trung Quốc sẽ đi vào "vết xe đổ" của Nhật Bản?
04:00, 05/09/2023