Quảng Ninh: Hỗ trợ chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản
Thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản thành công qua các sàn thương mại điện tử. Nhằm từng bước đẩy mạnh quá trình CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
>>>Quảng Ninh: Khai thác tối đa tiềm năng từ khu công nghiệp chuyên sâu
Trong xu thế hiện nay, chuyển đổi số là giải pháp tất yếu không chỉ thúc đẩy sản xuất, mà còn góp phần quan trọng tiêu thụ, mở rộng thị trường, kết nối với người tiêu dùng.
Bên cạnh thị trường truyền thống, nhiều năm nay Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phương Thùy (TP Uông Bí) duy trì giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Đông trùng hạ thảo trên các trang thương mại điện tử (TMĐT): Qn.check.net.vn; ocopquangninh.com.vn; icheck.vn... Từ đầu tháng 10/2023 Công ty còn đưa các sản phẩm ở dạng tinh chế lên sàn TMĐT shopee, nhằm thúc đẩy tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phương Thùy cho biết: Mặc dù đã có thị trường tiêu thụ ổn định là các đơn vị ngành Than, hiệu thuốc, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, song việc bán hàng trên các trang, sàn TMĐT là giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh tiêu thụ, dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng. Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh thu từ bán hàng trên các sàn TMĐT của Công ty đạt trên 1 tỷ đồng.
Nắm bắt xu thế tiêu dùng của người dân, từ năm 2019 chị Nguyễn Thị Thu Thương, chủ Cơ sở Ruốc tép chưng thịt Long Thương - TX Quảng Yên, đã tiếp cận mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Thời điểm bùng phát dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, chị mạnh dạn thực hiện các buổi livestream qua facebook. Từ đó đến nay, các buổi bán hàng bằng hình thức livestream qua facebook được cơ sở duy trì vào lúc 9h hằng ngày. Chị Thương sẽ giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm, toàn bộ quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào...
Chị Thương chia sẻ: Việc bán hàng trực tuyến giúp khách hàng nhìn nhận khách quan về sản phẩm, từ đó tin tưởng, lựa chọn và mua hàng. Bên cạnh đó, Cơ sở thường xuyên nhận được sự góp ý của khách hàng trên mạng xã hội để tiếp thu, từng bước đổi mới mẫu mã, chủng loại, bao bì sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến nay Cơ sở có hàng chục sản phẩm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 3-5 lao động địa phương.
Ông Trần Văn Hậu, chủ vườn cam 68 - xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn: Những ngày này vườn cam gia đình tôi rất tất bật đóng từng túi quả cam cho vào thùng xốp để chuyển đi các tỉnh cho khách đặt hàng. Những đơn đặt hàng cam Vạn Yên không chỉ đến từ những địa phương lân cận, mà còn đến từ các tỉnh phía nam, từ những đơn hàng 5-10kg cho đến những đơn hàng cả trăm kg của các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu.
“Tôi và bà con trồng cam ở Vạn Yên đã được Tổ công nghệ số cộng đồng của xã hướng dẫn từ chụp ảnh, dám tem truy xuất nguồn gốc đến đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như ocopquangninh, tiki, sendo, voso… Gia đình tôi đã bán được 15 tấn quả cam qua sàn”, anh Hậu chia sẻ.
Theo lãnh đạo xã Vạn Yên cho biết: Từ khi chuyển đổi số đến nhiều hộ gia đình trong xã đã mong ước bán được quả cam có giá cao, không bị thương lái ép giá. Và những mong muốn của những hộ trồng cam ở Vân Đồn đã dần trở thành hiện thực; đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển nông sản chủ lực của địa phương. Ông Hậu là một trong số các hộ dân 4.0 thành công đưa sản phẩm cam Vạn Yên lên sàn thương mại điện tử
Theo tỉnh Quảng Ninh: Những năm qua, tỉnh quan tâm thực hiện nhiều giải pháp phát triển TMĐT. Hoạt động song song với sàn giao dịch TMĐT http://teqni.gov.vn (hoạt động từ năm 2009), từ tháng 5/2023 http://ocopquangninh.com.vn được cập nhật, nâng cấp với nhiều tiện ích: Tích hợp thanh toán trực tuyến, công nghệ bảo mật tốt, đăng ký bằng nhiều hình thức zalo, facebook...
Sàn TMĐT đang giới thiệu 535 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 322/336 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, tương đương 96% sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh. Số lượng khách truy cập đến nay đạt 25.362 lượt với gần 400 đơn hàng đã được bán ra. Sản phẩm có sức tiêu thụ tốt là: Trà hoa vàng Ba Chẽ, miến dong Bình Liêu, ruốc hàu... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 156 trang TMĐT, trong đó 143 trang có chức năng bán hàng, 5 trang có chức năng là sàn giao dịch TMĐT.
Thời gian qua, tỉnh đã các phương thức kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc khi thói quen của bà con nông dân chủ yếu vẫn là buôn bán qua thương lái, kỹ năng bán hàng qua các sàn TMĐT còn hạn chế. Do đó, các sàn TMĐT cần bố trí lực lượng hỗ trợ tại chỗ để hướng dẫn bà con nông dân các kỹ năng như đăng ký tài khoản, đưa các sản phẩm lên sàn.
“Các sàn TMĐT cần phối hợp với các Sở, ngành trong hoạt động đào tạo kỹ năng, hướng dẫn bà con cách thức bán hàng và quảng bá sản phẩm đến người dân trong nước và cả nước ngoài thông qua môi trường số. Trong đó, lên danh sách các hộ, HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu thụ, khảo sát đặc tính sản phẩm của địa phương, từ đó thống nhất các phương án đóng gói, lưu thông hàng hóa.
Chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu. Song bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Có thể bạn quan tâm