Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Doanh nghiệp cần làm gì?

THY HẰNG 19/12/2023 03:00

Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

>>>Giữ chân” nhà đầu tư trước áp lực thuế tối thiểu toàn cầu

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực, ban hành Nghị quyết này. 

fd

Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức trong quá trình thu hút đầu tư. 

Tác động rõ rệt

Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng 02 quy định chính gồm Quy định 1: thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và Quy định 2: tổng hợp thu nhập chịu thuế (IIR).

Tại Việt Nam, các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) sẽ bao gồm các đơn vị hợp thành gồm công ty, tổ chức, cơ sở thường trú,… thuộc các MNE có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất trong ít nhất 2 trong 4 năm liền kề đạt 750 triệu EUR trở lên. MNE được định nghĩa là tập đoàn có ít nhất một đơn vị hợp thành hoặc một cơ sở thường trú không cư trú tại cùng nước của công ty mẹ tối cao.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức trong quá trình thu hút đầu tư. Về cơ hội, thứ nhất, giành được quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi Trụ cột 2 đang hoạt động tại Việt Nam và từ các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, ngăn dòng chảy thuế sang quốc gia khác và bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Thứ ba, là cơ hội để rà soát và cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ tư, thúc đẩy quá trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam tới năm 2030 theo Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ với 3 trụ cột về: cải cách thể chế quản lý thuế hiệu quả theo hướng hội nhập, trong đó có việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế - một vấn đề được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm; phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin hiện đại trong bối cảnh kinh tế số.

Về thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, qua đó làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện trên một số mặt sau.

Một là, khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Hai là, việc giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như việc khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn nếu Việt Nam không kịp thời có các giải pháp.

Ba là, hạn chế trong việc thu hút doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của những nhà đầu tư lớn, nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao (thuộc diện được hưởng ưu đãi miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm, thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm) trong khi hiện nay, số lượng doanh nghiệp này là đáng kể, đóng góp quan trọng đối với phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam, nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và kết nối vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.

Deloitte Việt nam nhận định, việc áp dụng các quy định về thuế TTTC theo Nghị Quyết sẽ có ảnh hưởng lớn đến nghĩa vụ thuế của các MNE thuộc phạm vi có hoạt động tại Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ kê khai và tuân thủ liên quan. Cụ thể, về nghĩa vụ thuế phát sinh, Đối với các đơn vị hợp thành của các MNE hoạt động tại Việt Nam mà đang được hưởng ưu đãi thuế sẽ có rủi ro phát sinh thuế TNDN bổ sung nếu thuế suất thực tế (Effective Tax Rate – ETR) tại Việt Nam thấp hơn 15%.

Đối với các công ty mẹ của các MNE của Việt Nam sẽ có rủi ro phát sinh thuế TNDN bổ sung đối với thu nhập của các đơn vị hợp thành ở nước ngoài mà đang áp dụng thuế suất thấp hoặc đang được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn, giảm thuế suất theo nội luật của nước đó, dẫn đến thuế suất thực tế tại quốc gia đó thấp hơn 15%.

Bên cạnh đó, về nghĩa vụ tuân thủ bổ sung sẽ phát sinh thêm nghĩa vụ lập tờ khai theo quy định thuế TTTC và giải trình kèm theo, ngoài nghĩa vụ kê khai Quyết toán thuế TNDN hiện hành. Đồng thời, thời hạn kê khai là 12 tháng sau khi kết thúc năm tài chính (đối với QDMTT) và 15 tháng (18 tháng đối với năm đầu tiên) sau khi kết thúc năm tài chính (đối với IIR).

Deloitte nhận định, Nghị quyết về thuế TTTC sẽ có tác động rất trọng yếu tới các doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng, bao gồm cả các những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam có hoặt động đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng sẽ chịu tác động rõ rệt về nghĩa vụ thuế bổ sung (nếu ETR < 15%, đặc biệt với các doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế) và về nghĩa vụ tuân thủ kê khai thuế.

Bên cạnh đó, các quy định về tính toán và kê khai tại Nghị quyết theo Quy định GloBE khá phức tạp với nhiều khái niệm và thuật ngữ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp cần hiểu rõ quy định, thu thập thông tin của nhiều đơn vị hợp thành, cân nhắc các yếu tố có ảnh hưởng trọng yếu đến việc tính toán và kê khai.

Nếu QDMTT của Việt Nam thỏa mãn là chính sách đạt chuẩn theo GloBE (thông qua các thủ tục xem xét và phê duyệt đồng cấp của OECD), các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam sẽ có khả năng được miễn tính toán lại thuế bổ sung theo Quy tắc GloBE tại nước sở tại, giúp giảm thiểu các gánh nặng về thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí tuân thủ liên quan.

““Quy tắc đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức thuế suất TTTC” (“Undertaxed payment rule” – UTPR) – nguyên tắc bổ trợ cho IIR theo Quy định GloBE hiện chưa được đề cập trong Nghị quyết. Việc áp dụng cả 02 cơ chế QDMTT và IIR cũng đảm bảo thuế bổ sung của các đơn vị hợp thành tại Việt Nam sẽ không bị thu bởi một nước thứ ba theo cơ chế UTPR, từ đó đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam”, Deloitte nhấn mạnh. Đồng thời cho biết dự kiến sẽ có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết các quy định tại Nghị quyết.

>>>Kiến nghị "bù đắp" ưu đãi cho nhà đầu tư chịu tác động từ Thuế tối thiểu toàn cầu

fd

Bốn khuyến nghị cho doanh nghiệp

Đặc biệt, Deloitte Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng. Cụ thể, với việc ban hành Nghị quyết về thuế TTTC từ 2024, các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng cần sớm triển khai nghiên cứu quy định và chuẩn bị cho việc tuân thủ cũng như hoạch định các chính sách tối ưu có thể, trong đó có thể bao gồm các bước. Trước hết, doanh nghiệp cần đánh giá tác động của thuế TTTC tại Việt Nam cũng như các quốc gia có hoạt động kinh doanh khác của tập đoàn.

Thứ hai, theo sát và nắm vững quy định. Theo đó, theo sát lộ trình ban hành các hướng dẫn chi tiết (Nghị định) liên quan đến thuế TTTC tại Việt Nam để hiểu rõ về các quy tắc tính toán và kê khai.

Thứ ba, chuẩn bị nguồn lực. Deloitte khuyến nghị doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn lực gồm nhân lực, công cụ, tư vấn,… để sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng và tuân thủ.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần lập kế hoạch tối ưu. Theo đó, lên kế hoạch cho việc tuân thủ kê khai nghĩa vụ thuế bổ sung, đồng thời cân nhắc các biện pháp tối ưu/ưu đãi khác nếu có nhằm giảm thiểu ảnh hưởng phát sinh của nộp thuế TTTC.

Có thể bạn quan tâm

  • “Giữ chân” nhà đầu tư trước áp lực thuế tối thiểu toàn cầu

    02:30, 16/12/2023

  • Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Thích ứng với “luật chơi” mới

    04:10, 02/12/2023

  • Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu: Xác định quyền đánh thuế của Việt Nam

    20:54, 28/11/2023

  • Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu

    09:43, 10/11/2023

THY HẰNG