Đề nghị chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường
Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường tháng 1/2024 do lo ngại nhiều rủi ro, khó đảm bảo chất lượng.
>>> Bảo đảm công bằng trong thu hồi đất
Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/12, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 dự kiến diễn ra trong ba ngày, khai mạc vào 15/1/2024 và chia thành hai đợt.
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, mặc dù các cơ quan đã liên tục làm việc, nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc rà soát toàn bộ dự thảo Luật. Thực tế cho thấy việc rà soát rất mất thời gian và phát sinh thêm các nội dung cần làm rõ, hoàn thiện để bảo đảm không xảy ra vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tiễn.
Từ nay đến hết tháng 12 thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1/2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo Luật, do vậy Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc việc thông qua các dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 do đây là các dự án Luật có nội dung lớn, phức tạp, có sự tác động trực tiếp, sâu rộng đến nền kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khi thời gian diễn ra kỳ họp bất thường lại ngắn.
Thời gian từ nay tới Kỳ họp bất thường không nhiều nên thời gian để các cơ quan Quốc hội, Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua không nhiều, việc này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dự án Luật. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trình Quốc hội thông qua 2 dự án luật này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu chưa xem xét thông qua 2 dự án luật trên thì không cần kỳ họp bất thường. Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu cơ bản hoàn thành Luật Đất đai trong năm nay, do đó, tinh thần là phải quyết tâm thực hiện và “có đủ cơ sở và điều kiện để nói quyết tâm”. Tuy nhiên phải có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng và hết sức quyết liệt mới có thể đảm bảo vì thời gian không còn nhiều.
>>> Luật Đất đai sửa đổi: Tránh “đứt gãy” trong thu hồi đất
Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội lưu ý tinh thần quán triệt đúng Nghị quyết 18 và cái gì ngoài nghị quyết hay còn ý kiến khác nhau thì cùng lắm cho làm thí điểm. Với những nội dung quan trọng khác có đề xuất mà hiện chưa có hồ sơ thì không xem xét.
Không nên vội vã
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều, sửa đổi 229 điều.
Nhiều nội dung lớn tại Dự thảo Luật đất đai đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm như: Địa giới đơn vị hành chính, điều tra cơ bản về đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất; các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hoạt động lấn biển; đất sử dụng cho khu kinh tế…
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.
Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng vào việc thông qua dự án sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết những tắc nghẽn trên thị trường bất động sản. Điển hình như thời kỳ khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản giai đoạn 2011 - 2013, khi Luật Đất đai 2013 được ban hành, thị trường đã dần có dấu hiệu hồi phục và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật đất đai sửa đổi nếu không được tính toán kỹ lưỡng, có thể ảnh hưởng hiệu quả quản lý, mở ra cơ hội cho cá nhân, tổ chức tham nhũng và trục lợi dẫn đến thất thoát và lãng phí tài sản nhà nước. Ngoài ra, không đảm bảo sự khách quan và công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Đất đai đóng vai trò định hướng sự phát triển của thị trường nên việc chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Tuy vậy, ông Võ cũng nhận định rằng, luật chỉ nên thông qua khi đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, giải quyết đúng những vấn đề mà xã hội và thị trường cần. Dù Luật Đất đai sửa đổi thông qua chậm ngày nào thị trường địa ốc sẽ khó khăn thêm ngày đó nhưng không vì thế mà làm vội.
Luật Đất đai sửa đổi chưa thông qua, tác động thế nào đến thị trường địa ốc?
04:00, 28/11/2023
Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi
16:16, 16/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Tránh chồng chéo với các luật hiện hành
03:30, 15/11/2023
Vụ quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ": Cần khắc phục “khoảng trống” Luật Đất đai
12:00, 11/11/2023