Tăng cường liên kết để phát triển du lịch golf
Du lịch golf hiện đang là một trong những sản phẩm du lịch tiềm năng, định hướng trong thời gian tới sẽ phát triển để trở thành sản phẩm chủ lực bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống.
>>Phát triển sản phẩm du lịch Golf cần sự liên kết giữa 4 bên
Chia sẻ với DĐDN, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là thiên đường golf lý tưởng trong khu vực châu Á, có lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, là điều kiện hấp dẫn để đầu tư, phát triển sân golf và loại hình du lịch golf.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 6 năm liên tiếp từ 2017-2022, Tổ chức Giải thưởng Golf Thế giới (WGA) đã vinh danh Việt Nam là Điểm đến Golf tốt nhất Châu Á, đặc biệt 2 năm 2019, 2021 được vinh danh là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới.
Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch golf
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã coi việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam thời gian tới.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch golf, theo ông Khánh, sức hấp dẫn của du lịch không chỉ giới hạn ở một địa phương, một vùng, bởi nhu cầu khám phá điểm đến của du khách luôn rộng mở. Việc tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để tạo thêm các sản phẩm mới bổ trợ cùng với việc phát triển loại hình du lịch golf, sẽ đem đến nguồn lợi lớn về kinh tế cho ngành du lịch, cho đất nước trong thời gian tới.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch golf tới du khách trong và ngoài nước, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy liên kết tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp song song với việc nâng cao chất lượng các tiện ích nghỉ dưỡng kèm theo như: resort, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe… nhằm phát triển du lịch golf tại Việt Nam.” – Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Điểm đến golf hấp dẫn
Từ góc độ địa phương, theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hà Nội Đặng Hương Giang, du lịch golf hiện đang là một trong những sản phẩm du lịch tiềm năng, định hướng trong thời gian tới sẽ phát triển để trở thành sản phẩm chủ lực bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, thế mạnh sẵn có của Thủ đô như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực…
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 10 sân golf đẳng cấp quốc tế như sân golf Long Biên, Vân Trì Golf club, Kings’ Island Golf, Hà Nội Golf club, Legend Hill... Đây đều là những sân golf đáp ứng được các yêu cầu về diện tích, cảnh quan, số lượng và độ khó của các hố kỹ thuật cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ.
Trong kế hoạch phát triển du lịch golf của Thành phố Hà Nội tới đây, Sở Du lịch Hà Nội đang tập trung phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, điểm đến, hàng không, lưu trú, sân golf triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ giải pháp như: Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu Hà Nội với hình ảnh điểm đến golf chất lượng, hấp dẫn; Phát triển đa dạng các tour, sản phẩm du lịch golf; Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch golf, kết nối tour tuyến du lịch golf qua đó nâng cao trải nghiệm đối với du khách là các golfer trong nước và quốc tế.
Nâng tầm chất lượng dịch vụ
Theo đó, ông Phạm Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT BlueTour nhận định, trên thực tế, mặc dù số lượng sân golf chưa nhiều nhưng Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, Hà Nội muốn phát triển du lịch thì phải liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành để thu hút khách đến, nhất là khách quốc tế. Bên cạnh đó, cần đảm bảo dịch vụ đi kèm, phương tiện vận chuyển thuận tiện cho du khách. Cuối cùng, cần thay đổi cách thức, tạo sự thuận lợi dễ dàng cho du khách tiếp cận dịch vụ sân golf.
Ông Bằng cho biết, du lịch golf chính là giải pháp tăng doanh thu cho nền kinh tế xanh nước nhà. Bởi khách chơi golf thường có thu nhập cao, đến và quay lại những điểm chơi golf nhiều lần. Họ không chỉ chơi golf mà còn sử dụng chuỗi dịch vụ cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng... Do đó, đầu tư phát triển du lịch golf cũng là con đường cho du lịch Việt nâng tầm chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và thu hút dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.
“Hiện nay, lượng khách du lịch golf tập trung lớn ở khách Hàn Quốc, khách Nhật Bản. Trung bình, khách hàng của chúng tôi chi trả từ 3000 – 4000$ cho sản phẩm du lịch Golf và chi tiêu thêm chi phí khác với các dịch vụ đi kèm. Hà Nội với đường bay thẳng là điểm đến du lịch golf lý tưởng, đây là thế mạnh để Hà Nội tập trung khai thác khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao. Qua đó, từng bước hình thành sản phẩm, tour du lịch golf hoàn chỉnh, có thương hiệu của Thủ đô và cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh "Hà Nội - Điểm đến du lịch golf" với du khách trong nước và quốc tế.”
Có thể bạn quan tâm