Đề xuất bổ sung quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện
Nội dung này được lãnh đạo Bộ LĐTB&XH thông tin tại Hội thảo Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 28/11.
>>Hạn chế rút BHXH một lần - Tăng thêm quyền lợi cho người lao động là cần thiết
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, việc bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Qua đó, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thông tin rộng rãi những nội dung dự kiến sửa đổi và những điểm mới của chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội đến các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng đối tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI. “Đây cũng là cơ hội cho chúng tôi được lắng nghe các ý kiến chia sẻ của các đối tác và doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện
Tại hội thảo, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH cho biết, thời gian qua, Việt Nam gặp nhiều thách thức trong việc bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Hiện nay, chúng ta chưa quản lý được toàn bộ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, vẫn còn có các DN trốn đóng. Về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, mặc dù Việt Nam triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay số người tham gia và phát triển chưa nhiều. Lý do là lao động khu vực phi chính thức chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện và thu nhập đảm bảo tham gia BHXH tự nguyện không nhiều.
Từ năm 2019 trở lại đây, Việt Nam có bước phát triển trong việc tham gia BHXH tự nguyện nhưng vẫn còn có khó khăn. “Hiện nay những người tham gia BHXH tự nguyện mới có hai chế độ hưu trí và tử tuất. Người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn đầu chỉ có đóng. Tới đây, chúng ta phải bổ sung các chế độ ngắn hạn để khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng việc bổ sung chế độ thì không làm phát sinh chi phí đóng góp; nếu tăng quyền lợi, tăng đóng góp lại là rào cản họ tham gia” – ông Hải Nam giải thích.
Trong nỗ lực về phát triển đối tượng tham gia BHXH, Việt Nam còn gặp thách thức đó là rất nhiều người lao động lựa chọn BHXH một lần. Thành ra, chúng ta cứ phát triển được 2 người tham gia BHXH lại có 1 người ra khỏi hệ thống, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển. Các tổ chức quốc tế cảnh báo nếu Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách cho phép rút BHXH một lần như hiện nay sẽ đặt ra nguy cơ đảm bảo an sinh trong tương lai.
Ông Trần Hải Nam cho rằng, thách thức đối tượng tham gia BHXH là một trong những thách thức mà sửa đổi Luật BHXH lần này hướng tới để có những chính sách phù hợp, lựa chọn những giải pháp phù hợp để một mặt khuyến khích người lao động tự nguyện đóng lại BHXH, bảo lưu thời gian hưởng BHXH để tiến tới lương hưu. Nhưng mặt khác, chúng ta phải có các quy định để quản lý chặt chẽ hơn đối với các nhóm đối tượng này.
>>Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn
Rút BHXH một lần - cần tính toán phương án khả thi
Bên cạnh việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, chúng ta mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bằng cách nới quy định về tiêu chí điều kiện hưởng. Với quy định 20 năm đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay người lao động cứ rút BHXH một lần nhiều như vừa rồi, cơ hội đóng 20 năm tiếp theo rất khó khăn.
Theo ông Trần Hải Nam, chúng ta tiến tới không khuyến khích hưởng BHXH một lần để có thời gian tham gia BHXH còn lại ngắn. Tuy nhiên, đối với những người không có điều kiện và khả năng để tham gia, tích lũy thời gian tham gia dài thì chúng ta thực hiện giảm thời gian đóng bảo hiểu tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm như Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu. Trong sửa đổi Luật BHXH lần này, chúng ta chọn giảm điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm. Về lâu dài thì chắc chắn chúng ta tiến tới giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 10 năm để người lao động có điều kiện hưởng lương hưu.
Về BHXH một lần, chúng ta cần có phương án khả thi. Trong trong hồ sơ Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần. Phương án 1, nhóm 1: Những người đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Với quy định này, hơn 17 triệu người đang tham gia BHXH sau năm 2025 khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thì họ vẫn được rút BHXH một lần. Nhóm 2: Người lao động bắt đầu tham gia từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) thì không được rút BHXH một lần, trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Theo ông Hải Nam, phương án 2 cũng gặp thách thức đó là rút BHXH 50% thì mức lương hưu rất thấp; ảnh hưởng tới sự hấp dẫn của chính sách.
Tới đây Quốc hội cho ý kiến về BHXH một lần, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện và sẽ có những phương án lồng ghép giữa hai phương án hoặc lựa chọn phương án thứ ba. Nhưng lựa chọn phương án nào, chúng ta cũng hướng tới mục tiêu người lao động ở lại hệ thống để có lương hưu đảm bảo an sinh lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
Chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc: Cần bổ sung thêm chế tài xử lý
12:01, 23/11/2023
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?
03:30, 22/11/2023
BHXH Việt Nam: Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt
15:44, 17/11/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp
04:00, 22/09/2023
Hạn chế chậm, trốn đóng BHXH: Cần có quy định về trách nhiệm cơ quan Nhà nước
03:50, 13/09/2023
Đóng BHXH tự nguyện qua ứng dụng ngân hàng thuận lợi cho người dùng
11:25, 12/09/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Tăng thêm quyền lợi cho người lao động là cần thiết
03:50, 10/09/2023