Hà Nội: Công nhận thêm 4 điểm du lịch cấp thành phố
UBND thành phố Hà Nội vừa có các quyết định công nhận các điểm du lịch cấp thành phố. Trong đó, huyện Thanh Trì có 3 điểm du lịch quận Long Biên có điểm du lịch Lệ Mật.
>>Thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa du lịch Hà Nội và Điện Biên
Theo Sở Du lịch Hà Nội, Điểm du lịch Tam Hiệp (Thanh Trì) có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, gồm ba thôn, làng: Huỳnh Cung, Yên Ngưu, Tựu Liệt.
Tam Hiệp là vùng đất có nhiều công trình văn hóa, kiến trúc, điêu khắc độc đáo, góp phần làm phong phú truyền thống văn hóa Hà Nội nghìn năm văn hiến. Trên địa bàn xã có 7 di tích, trong đó có 5 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; 2 di tích xếp hạng cấp thành phố và 1 di tích đang làm hồ sơ xếp hạng; 1 khu lưu niệm sự kiện cách mạng.
Hiện Tam Hiệp cũng có nhiều sản phẩm du lịch, trong đó nổi bật có 4 cụm, điểm tham quan, trải nghiệm chính: Cụm di tích Đình - chùa Huỳnh Cung, khu lưu niệm sự kiện cách mạng Bác Hồ về thăm và văn chỉ Chu Văn An; cụm di tích đình - chùa Tựu Liệt; cụm di tích đình - chùa Yên Ngưu; mô hình du lịch nông nghiệp - làng nghề và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ giải trí, ẩm thực.
Cũng trên địa bàn huyện Thanh Trì, điểm du lịch Thanh Liệt có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; địa giới gồm 5 thôn, 2 tổ dân phố. Trên địa bàn xã có 8 di tích (3 đình, 1 đền, 3 chùa, 1 miếu). Trong đó có có 3 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia (chùa Quang Ân, đình thờ danh nhân Chu Văn An, đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu), một địa điểm gắn bia lưu niệm sự kiện cách mạng tại chùa Quang Phúc.
Hiện nay, sản phẩm du lịch đang khai thác chủ yếu ở điểm du lịch này là: Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa; trải nghiệm không gian biểu diễn nghệ thuật trình diễn truyền thống; tham quan trải nghiệm, mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí.
Điểm du lịch Duyên Hà (huyện Thanh trì) có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; địa giới gồm bốn thôn: Đại Lan, Văn Uyên, Tranh Khúc và Tân Hà. Duyên Hà là một vùng đất cổ, có cư dân làm ăn sinh sống từ sớm, làng quê được hình thành cùng với quá trình dựng nước từ thuở các vua Hùng. Đặc biệt, trên địa bàn có làng Đại Lan, tuy là làng nhỏ, nhưng thời phong kiến nổi danh cả nước với 18 vị khoa bảng và danh nhân văn hóa Nguyễn Như Đổ.
Trên địa bàn xã có 8 di tích (3 đình, 3 chùa, 1 đền, 1 miếu) trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia (đình, chùa thôn Đại Lan); 3 di tích di tích đang làm hồ sơ xếp hạng (đình, chùa, miếu thôn Tranh Khúc). Hiện tại, nơi đây đang khai thác 4 tuyến du lịch: Làng nghề truyền thống làm bánh Tranh Khúc; Cụm di tích đình - chùa - miếu thôn Tranh Khúc, đình - chùa - miếu thôn Văn Uyên gắn với lễ hội hàng tổng Nam Phù; mô hình du lịch nông nghiệp; vui chơi giải trí ở thôn Tranh Khúc và thôn Văn Uyển.
Điểm du lịch Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) có lợi thế giáp ranh với 2 tuyến đường giao thông quốc gia huyết mạch đi qua quận Long Biên (đường 5, đường 1), cận kề với 2 con sông lớn ở Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đuống. Lệ Mật có những di sản lịch sử văn hóa độc đáo khá hấp dẫn du khách như 5 di tích được xếp hạng quốc gia, gồm: Di tích đình Trường Lâm, chùa Trường Lâm, đình Kim Quan, chùa Kim Quan, đình Lệ Mật và di tích xếp hạng cấp thành phố chùa Lệ Mật.
Điểm du lịch Lệ Mật có các điểm tham quan, trải nghiệm chính như: Cụm Di tích lịch sử văn hóa Lệ Mật: Đình Lệ Mật - gắn với câu chuyện thật trong lịch sử về vị Phúc thần - ông Hoàng Quý Công (có sách ghi ông Ngọc Trung), người có công trong việc đưa dân Lệ Mật đi khai phá và phát triển khu vực phía Đông của Kinh thành Thăng Long dưới triều nhà Lý và tạo nên những làng, ấp mới trù phú, gọi là “Thập tam trại" (Mười ba trại). Ngày nay khu vực Mười ba làng trại này là các phường thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, gồm: Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Kim Mã, Xuân Biểu, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Đại Yên, Giảng Võ, Cống Yên,....
Để tưởng nhớ vị công thần, nhân dân Lệ Mật và các trại lập đền thờ và tôn vinh thành Thành Hoàng, thờ trong Đình Lệ Mật. Hàng năm, vào ngày chính hội 23/3 Âm lịch, nhân dân thuộc 13 làng trại đều đem lễ vật, rước kiệu về đình Lệ Mật, làm Hội tế lễ Đình và tham gia Lễ hội Lệ Mật rất trọng thể, trang nghiêm.
Đến Làng nghề truyền thống Lệ Mật vào dịp Lễ hội truyền thống (diễn ra từ 19 - 23/3 Âm lịch hàng năm, chính Lễ vào 23/3), du khách được trải nghiệm không khí lễ hội đặc sắc của khu vực Đồng bằng sông Hồng, của Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Lễ hội Lệ Mật hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự./.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa du lịch Hà Nội và Điện Biên
03:00, 17/12/2023
Du lịch Hà Nội "vượt chỉ tiêu" đón khách quốc tế
01:00, 28/11/2023
Hai vạn lượt khách tham dự Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023
00:10, 06/11/2023
Du lịch Hà Nội bước vào những tháng cao điểm
03:00, 11/10/2023