Nhiệm vụ trọng tâm của VCCI là kết nối cộng đồng doanh nghiệp
Kết nối cộng đồng doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI, đây cũng là nhiệm vụ của Ban Hội viên và Đào tạo trong hệ thống VCCI.
>>Lương tối thiểu vùng 2024: VCCI đề xuất mức tăng 4%
Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) Nguyễn Bắc Hà nhấn mạnh tại buổi công bố quyết định công nhận hội viên chính thức và trao chứng nhận hội viên VCCI đợt 2 năm 2023 cho các hiệp hội, hội doanh nghiệp khu vực phía Bắc, ngày 20/12.
Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) Nguyễn Bắc Hà khẳng định, VCCI là một tổ chức năng động, không khống chế số lượng thành viên và tổ chức bộ máy.
Tất cả vì doanh nghiệp
“Đặc biệt, VCCI không có cơ chế xin-cho. Lãnh đạo các đơn vị thuộc VCCI sẵn sàng làm những gì tốt nhất cho doanh nghiệp và vì doanh nghiệp theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. VCCI hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bằng sự nhiệt tâm, trách nhiệm vì một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh và phát triển. Đây chính là thương hiệu giúp VCCI tồn tại đến ngày hôm nay”, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo Nguyễn Bắc Hà bày tỏ.
Do đó, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo Nguyễn Bắc Hà mong muốn được hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp để "tất cả cùng thắng" trên thương trường.
Đề cập đến quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo Nguyễn Bắc Hà cho biết điều lệ của VCCI tại Điều 12 quy định quyền của hội viên như sau: Hội viên chính thức có các quyền tham gia dự hội nghị, hội viên ở khu vực. Tham dự đại hội nếu được hội nghị hội viên hiệp thương cử. Biểu quyết hoặc bỏ phiếu ở đại hội, được đề cử hoặc ứng cử vào BCH.
>>Xây dựng giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm
>>VCCI ký kết Ý định Thư hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch
Hội viên có thể đề đạt ý kiến với Đại hội BCH, Ban Thường trực về hoạt động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam những vấn đề về chính sách, pháp luật, kinh tế và môi trường kinh doanh. Hội viên có thể yêu cầu Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại.
Hội viên được hưởng dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin xúc tiến thương mại đầu tư, quảng bá hình ảnh, đào tạo và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cung cấp với các điều kiện ưu tiên, ưu đãi hoặc miễn phí.
Hội viên được quyền tham dự các cuộc họp do BCH triệu tập hoặc mời. Đoàn kết hợp tác với các hội viên khác để cùng thực hiện tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Hội viên phải có tránh nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ uy tín của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, không nhân danh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong các hoạt động giao dịch, trừ khi được Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam uỷ quyền bằng văn bản. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...
Trao đổi tại buổi công bố quyết định công nhận hội viên chính thức, Phó Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) Phạm Hữu Quyết cho biết, Ban Hội viên và Đào tạo có trách nhiệm tập hợp những kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp để gửi đến các phòng, ban chuyên môn của VCCI và các bộ, ngành để trả lời.
“Đơn cử, tại Hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan chỉ có VCCI là đơn vị nhiều năm nay tập hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để gửi đến các cơ quan bộ, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, ông Quyết nói.
Còn theo Phó Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) Hoàng Văn Anh, ở Việt Nam và trên thế giới, VCCI là mô hình duy nhất là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp và giới sử dụng lao động tại Việt Nam.
Với chức năng xúc tiến thương mại đầu tư, với vai trò là đại diện tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đang giữ vai trò là tổ chức quốc gia tham gia trong các hoạt động khác nhau, như xây dựng chính sách, tham mưu chính sách, các hoạt động xúc tiến cấp cao... với các Ban Quan hệ Quốc tế, Ban Pháp chế, Viện Phát triển Doanh nghiệp, Hội đồng Doanh nhân nữ. VCCI trải dài các hoạt động từ chuyên môn cho đến giới, đối ngoại, pháp luật…
Phó Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) Hoàng Văn Anh cho biết, có những chương trình được VCCI duy trì gần 20 năm nay, như Hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan được VCCI khởi động từ năm 2005. Có những chương trình rất “nóng” chỉ VCCI mới có thể đứng ra hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
"Trước đây, thường thông qua cơ chế khác nhau để giải quyết vấn đề. Nhưng, hiện nay VCCI có cách tiếp cận trực diện hơn thông qua các hệ thống văn bản, nghị quyết", Phó Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) Hoàng Văn Anh nói.
Đơn cử, để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023 có 2 nghị quyết quan trọng đó là Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Đây là hai Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam”, Phó Ban Hội viên và Đào tạo Hoàng Văn Anh nhấn mạnh.
Với những nghị quyết khác về đàm phán, ký kết hay các bộ luật liên quan đến doanh nghiệp, theo Phó Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) Hoàng Văn Anh, VCCI là đơn vị duy nhất thay mặt cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong và là cơ quan có tiếng nói quan trọng nhất, từ diễn đàn như Quốc hội, Chính phủ hay các chương trình đối ngoại lớn.
Mong được phục vụ doanh nghiệp nhiều hơn
Trao đổi tại buổi công bố quyết định công nhận hội viên chính thức, Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế (VCCI) Nguyễn Tuấn Hải khẳng định VCCI luôn xác định là tổ chức được thành lập ra là để phục vụ doanh nghiệp.
Với “tâm thế” đó, khi các doanh nghiệp cần bất cứ sự hỗ trợ nào từ VCCI nói chung, Ban Quan hệ Quốc tế nói riêng thì có thể trực tiếp trao đổi với Ban Quan hệ Quốc tế.
“Ban Quan hệ Quốc tế không khẳng định có thể hỗ trợ được tất cả những thắc mắc của doanh nghiệp, nhưng những gì làm được Ban Quan hệ Quốc tế sẽ làm hết sức, nếu chưa làm được sẽ tham mưu, tư vấn để doanh nghiệp tiếp xúc với đối tác nước ngoài hoặc những cơ quan bộ, ngành trong nước”, ông Hải nói.
Còn theo Phó Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế thực hiện nhiệm vụ tham mưu, góp ý, hoàn thiện các chính sách pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam. Ban Pháp chế đang thực hiện 4 nội dung chính.
Thứ nhất, tham gia góp ý các dự thảo, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Đây là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng và Quốc hội đã giao cho VCCI trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ nhiều năm nay.
“Hàng năm, Ban Pháp chế thường tiếp nhận khoảng 300 văn bản từ các dự thảo của tất cả các bộ, ngành gửi về VCCI để tổng hợp lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở tiếp nhận những dự thảo văn bản này chúng tôi sẽ tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước”, ông Thạch nói.
Thứ hai, Ban Pháp chế chủ động triển khai rà soát các nghiên cứu về hệ thống pháp luật hiện hành, tìm ra điểm bất cập để xử lý những vấn đề liên quan. Ví dụ, gần đây có vấn đề “nóng” liên quan đến phòng cháy chữa cháy. VCCI đã tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp với Bộ Công an, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị về vấn đề này. Sau hội nghị đã có những điều chỉnh rất lớn về phòng cháy chữa cháy.
Trước đó, vào năm 2020 xảy ra Covid-19, VCCI là đơn vị tham gia góp ý chính sách và sửa đổi rất nhiều quy định bất hợp lý trong quá trình vận chuyển hàng hoá, con người… liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại thời điểm đó VCCI đã tiến hành đánh giá hiệu quả của các chương trình phục hồi phát triển kinh tế và đã kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ cần thực hiện các gói miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Ví dụ, thuế VAT 8%, miễn giảm tiền thuê đất trong 2 năm vừa qua…
Thứ ba, Ban Pháp chế thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật. VCCI có lợi thế rất lớn là được tham gia góp ý các dự thảo chính sách pháp luật. Vì VCCI cập nhật hàng ngày toàn bộ các dự thảo của các bộ, ngành, địa phương có liên quan gửi về VCCI.
Thứ tư, có một lĩnh vực đang được Ban Pháp chế thúc đẩy, đó là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xử lý những vụ việc có liên quan, như trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp gặp vướng mắc, khó khăn từ các cơ quan nhà nước, có những việc thực hiện pháp luật nhưng có các cách hiểu khác nhau.
Qua đầu mối VCCI, Ban Pháp chế cũng là một bộ phận tham gia vào trong quá trình đó sẽ có ý kiến, tư vấn để doanh nghiệp có cách thức giải quyết hiệu quả nhất. Doanh nghiệp có thể lựa chọn được đơn vị hỗ trợ từ VCCI hiệu quả hơn, vì mạng lưới của VCCI rất rộng gồm các chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cơ quan nhà nước đến các công ty tư vấn luật hay những đơn vị chuyên môn…
Bên cạnh đó, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ trước đây là Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, sau đó sửa thành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI là đầu mối thực hiện nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ hàng tháng.
Do đó, khi doanh nghiệp gặp phải khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện tuân thủ pháp luật ở Việt Nam thì doanh nghiệp có thể gửi kiến nghị về VCCI. VCCI sẽ có một bộ phận thẩm định. Trong trường hợp xác định đó là những bất cập, VCCI sẽ chuyển tới Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Doanh nghiệp có thể tin tưởng đây là một kênh hiện nay đang được rất nhiều doanh nghiệp phản ánh và đã được xử lý, giải quyết tương đối hiệu quả”, ông Thạch nhấn mạnh.
Trao đổi về vai trò của Viện Phát triển doanh nghiệp với các hội viên, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) Lê Thị Thu Thuỷ cho biết, Viện Phát triển doanh nghiệp chủ yếu tập trung hỗ trợ phổ biến thông tin khoa học, công nghệ.
“Viện Phát triển doanh nghiệp là một đơn vị khoa học công nghệ của VCCI, chúng tôi hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, xanh, sản xuất sạch. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, chuyển đổi số được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Viện Phát triển doanh nghiệp đã hỗ trợ doanh nghiệp ở mảng chuyển đổi số”, bà Thuỷ nói.
Vẫn theo Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) Lê Thị Thu Thuỷ, xu thế, xu hướng dự báo kinh tế trong thời gian tới, xu hướng của doanh nghiệp như thế nào… cũng được Viện Phát triển doanh nghiệp tập trung hỗ trợ. Ví dụ, thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, động vật hoang dã…
Ngoài ra, Viện Phát triển doanh nghiệp cũng hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường EU đối với các mặt hàng như lâm sản, gia vị, rau quả... “Chúng tôi mong muốn được phục vụ doanh nghiệp nhiều hơn, và hy vọng doanh nghiệp cũng nhận thấy việc gia nhập VCCI sẽ có lợi ích hơn cho mình”, bà Thuỷ bày tỏ.
Mong muốn được trở thành hội viên của VCCI Đại diện Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Tổng hợp Cao Sơn Doanh nghiệp trăn trở vì thiếu thông tin, do phần lớn thời gian phải tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Để hiểu sâu về pháp lý, thị trường, xuất nhập khẩu… doanh nghiệp thường không có thông tin và kiến thức chuyên sâu. Do đó, doanh nghiệp mong muốn được trở thành hội viên của VCCI để tiếp cận thông tin và nhận được sự hỗ trợ từ VCCI nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá để có thể cạnh tranh được với những sản phẩm của nước ngoài và đưa sản phẩm hàng hoá Việt Nam vươn xa đến các thị trường trên thế giới. Có thêm cơ hội tiếp cận nguồn thông tin của VCCI Đại diện công ty Cổ phần Oristar Công ty Cổ phần Oristar rất mong muốn được trở thành hội viên của VCCI. Vì ngoài tham gia các hội thảo, hội nghị của VCCI thì còn có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin của VCCI. Đơn cử, trong chiến lược năm 2025 của công ty Cổ phần Oristar sẽ mở thêm văn phòng đại diện tại Malaysia. Như vậy, có những thủ tục tại quốc gia sở tại thì chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ VCCI, đặt biệt là Ban Quan hệ Quốc tế. |
Căn cứ điều lệ và thực hiện kế hoạch công tác năm 2023, ngày 20/12 Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chương trình công bố quyết định công nhận hội viên chính thức và trao chứng nhận hội viên VCCI đợt 2 năm 2023 cho các hiệp hội, hội doanh nghiệp khu vực phía Bắc.
|
Có thể bạn quan tâm
Lương tối thiểu vùng 2024: VCCI đề xuất mức tăng 4%
10:00, 20/12/2023
VCCI ký kết Ý định Thư hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch
04:08, 08/12/2023
VCCI thúc đẩy phát triển kỹ năng lao động hướng tới công bằng
10:35, 07/12/2023