Ngành ô tô gặp khó khăn, ngân sách thất thu lớn
Thị trường ô tô chìm sâu trong suy thoái, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng góp vào ngân sách giảm mạnh, khiến các địa phương bị hụt thu, không đạt chỉ tiêu thuế cả năm.
>> Ngành ô tô khó khăn, nhiều mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước mất ưu đãi
Thất thu ngân sách vì ô tô
Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2023 thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 10.251 tỷ đồng, bằng 80,4% dự toán pháp lệnh được giao và bằng 72,5% so với năm 2022. Theo thống kê, kết thúc 11 tháng năm 2023, số thuế nộp của một số các doanh nghiệp trọng điểm, có tỷ trọng lớn không đảm bảo. Nguyên nhân số thu từ khu vực này sụt giảm và không hoàn thành dự toán, phụ thuộc chủ yếu vào số nộp của Tập đoàn Thành công (chiếm gần 80% cơ cấu số thu trong lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh). Trong 10 tháng năm 2023 (bao gồm cả số gia hạn) số nộp của Tập đoàn Thành công chỉ đạt 6.836 tỷ đồng, bằng 63,8% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, sản lượng xe kê khai tương ứng số nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 10 tháng năm 2023 giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2023 thu ngân sách tỉnh này ước đạt 23.951 tỷ đồng, bằng 71,6% cùng kỳ 2022, dự kiến hụt thu hơn 7.200 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, khoản thu ngoài quốc doanh không đạt dự toán, do thu từ Công ty ô tô Trường Hải chỉ đạt 9.986 tỷ đồng, hụt 1.459 tỷ đồng. Năm ngoái, các doanh nghiệp thuộc Trường Hải đóng góp cho ngân sách tỉnh Quảng Nam khoảng 15.750 tỷ đồng, tức gần nửa tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Theo Sở Tài chính Quảng Nam, nguồn thu từ Công ty ô tô Trường Hải chiếm 54,8% dự toán thu nội địa năm nay, nên số thu này biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
Theo Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, lũy kế đến ngày 4/12/2023, thu ngân sách tỉnh đạt 22.340 tỷ đồng, bằng 81,5% dự toán pháp lệnh. Mặc dù Chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 6 tháng cuối năm, nhưng mức độ hồi phục của sản lượng sản xuất, tiêu thụ chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ ô tô của 2 công ty Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam, ước đạt 80.149 xe, sụt giảm hơn 47.000 xe so với 2022. Do đó, tỉnh dự kiến hụt thu khoản thuế từ các doanh nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy trên địa bàn, có tỷ trọng đóng góp lớn vào ngân sách địa phương.
Ninh Bình, Quảng Nam và Vĩnh Phúc là 3 trung tâm công nghiệp ô tô lớn của cả nước. Nguồn thu từ ô tô bao gồm: tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ, là những khoản đóng góp quan trọng vào ngân sách các địa phương này hàng năm. Khi ngành ô tô gặp khó khăn thì nguồn thu của các địa phương này cũng bị ảnh hưởng theo.
Khó khăn vượt xa mọi dự tính
>> Ngành ô tô khó khăn, xin giảm sản lượng để hưởng ưu đãi thuế, không thành
Theo Bộ Công thương, sản lượng ô tô lắp ráp 11 tháng qua chỉ đạt 308,6 nghìn chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Còn Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ước tính, thị trường ô tô Việt Nam năm 2023 giảm gần 30% so với năm 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm khoảng 30%, xe thương mại giảm khoảng 15% và xe chuyên dụng giảm hơn 50%. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm khoảng 25%, còn xe nhập khẩu giảm hơn 30% so với năm 2022. Năm 2023 doanh số bán ô tô giảm khoảng 70.000 xe so với năm 2022.
Nhiều thương hiệu ô tô sụt giảm doanh số bán rất sâu từ 20% đến hơn 70%, so với năm 2022. Chẳng hạn như: Peugeot giảm hơn 70%, Toyota giảm khoảng 40%, Kia giảm gần 40%, Honda giảm gần 30%, Hyundai giảm gần 25%... Đây là năm khó khăn nhất của ngành ô tô Việt Nam, vượt xa mọi dự tính ban đầu.
Những lần giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước trước đây, đều giúp doanh số bán xe tăng lên. Tuy giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng nhờ doanh số bán tăng cao, nên các khoản thu thuế, phí từ ô tô về cho ngân sách Nhà nước tăng lên chứ không bị giảm đi. Năm nay không như vậy, do doanh số bán xe giảm sâu, không thể bù đắp, nên ngân sách Nhà nước sẽ thất thu một khoản lớn. Theo tính toán của Bộ Tài chính, riêng việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 6 tháng cuối năm 2023, sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng.
Các dự báo cho thấy, khó khăn của ngành ô tô sẽ tiếp tục kéo dài sang cả năm 2024. Nguồn thu cho ngân sách vì vậy cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Có thể bạn quan tâm
Doanh số bán giảm sâu, ô tô giảm giá hàng trăm triệu nhiều không kể xiết
12:30, 12/12/2023
Thị trường ô tô cuối năm tràn ngập khuyến mãi, khách hàng vẫn dửng dưng
04:30, 04/12/2023
Đẩy mãi không hết hàng tồn kho, ô tô đại hạ giá tới sang năm
04:10, 01/12/2023
Ô tô hạng A giá rẻ, doanh số bết bát, ngày càng sa sút
04:38, 30/11/2023
Ô tô tồn kho giảm giá 800 triệu đồng, xả hàng cuối năm
04:01, 22/11/2023