Cân bằng giữa hàng không và du lịch

MINH CHÂU 22/12/2023 00:30

Việc nâng trần giá vé máy là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng không nhưng lại là thách thức cản trở sự hồi phục của du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa.

>>Cục Hàng không lý giải việc giá vé máy bay tăng cao

Tổng kết năm 2023, Cục Hàng không đánh giá thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phục hồi, nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt từ khôi phục mạng đường bay quốc tế. Riêng thị trường hàng không nội địa đã vượt lượng khách của năm 2019 (năm chưa có dịch COVID-19), khách quốc tế dự kiến năm sau sẽ bằng ngưỡng của năm 2019.

Ước cả năm nay, khách đi đường hàng không nội địa và quốc tế đi/đến Việt Nam xấp xỉ 74 triệu lượt, tăng 34,5% so năm trước và bằng gần 94% tổng lượng khách hàng không năm 2019.

Trong đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 32 triệu lượt, tăng 1,7 lần so với năm trước và bằng 77% năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới tới Ấn Độ, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ. Bên cạnh đó, các đường bay tới Trung Quốc và Nga cũng dần phục hồi, dù còn nhiều hạn chế.

Cục Hàng không dự báo, năm 2024 lượng khách hàng không sẽ đạt ngưỡng 80 triệu lượt (tăng khoảng 7% so với năm nay). Trong đó, khách nội địa hơn 38 triệu lượt, giảm trên 10% so với năm nay; khách quốc tế gần 42 triệu lượt tăng 30,6% so với năm nay.

Năm tới, các hãng hàng không Việt xây dựng kịch bản vận chuyển khoảng 58 triệu lượt khách, tương đương lượng khách năm nay. Trong đó có hơn 19 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 30% so với năm nay.

Cục Hàng không đánh giá thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phục hồi, nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt từ khôi phục mạng đường bay quốc tế.

Cục Hàng không đánh giá thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phục hồi, nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt từ khôi phục mạng đường bay quốc tế.

Một số chuyên gia hàng không cho rằng khách hàng không nội địa năm tới giảm một phần do tác động từ khó khăn kinh tế, việc làm, một phần tới từ giá vé máy bay duy trì ở mức cao. Đặc biệt, từ ngày 1/3/2024, trần giá vé máy bay nội địa được điều chỉnh tăng, qua đó cho phép các hãng tiếp tục điều chỉnh khung giá vé ở mức cao hơn năm nay.

Đây được coi là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng không nhưng lại là thách thức cản trở sự hồi phục của du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa.

Bà Nhữ Thị Ngần - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) nhận định, khi giá vé máy bay tăng, giá tour sẽ tăng theo, ảnh hưởng lớn đến việc tính toán giá tour trọn gói của các hãng lữ hành. Đây là một bài toán khó, bởi tình trạng biến động về giá nhiên liệu, chi phí đầu vào đối với các dịch vụ vận chuyển đã quyết định tất cả.

"Giá tour nội địa dịp tết tăng 5-15% so với giá thời điểm bình thường, trong khi tour đưa khách đi nước ngoài mùa cao điểm cũng chỉ tăng khoảng 5%. Nghịch lý này có nguyên nhân rất lớn là do vé máy bay đang tăng." - Bà Ngần cho biết.

Theo đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc nâng trần giá vé nhằm tạo ra dư địa rộng để các hãng hàng không linh hoạt trong từng thời điểm, điều kiện bán vé, nhưng nếu trên thực tế tăng giá vé so với mặt bằng chung, đặc biệt với tour du lịch, thì phải cân nhắc kỹ. Chính phủ cần gắn chính sách giá các hãng hàng không nội địa với ngành du lịch, từ đó có mức giá hợp lý trong cơ cấu tour du lịch. Làm sao vừa tạo thuận lợi cho các hãng hàng không linh hoạt trong giá cả nhưng cũng thúc đẩy du lịch phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Cục Hàng không lý giải việc giá vé máy bay tăng cao

    07:00, 14/12/2023

  • Ổn định giá vé máy bay, giảm nỗi lo cho du lịch Việt

    02:30, 24/10/2023

  • Giá vé máy bay có đang quá cao?

    03:00, 13/10/2023

  • Doanh nghiệp du lịch lo ngại khi giá vé máy bay tăng cao

    01:00, 07/10/2023

MINH CHÂU