Ăn bớt của học sinh - cần xử lý hình sự

NHẬT QUANG 23/12/2023 03:30

Bữa sáng tiêu chuẩn mỗi cháu một gói mì và quả trứng thì 11 cháu chung hai gói. Bữa trưa thực đơn có thịt và xương canh rau thì chỉ có một nhúm giò thái nhỏ...

>>Giáo dục Việt Nam và những nỗi đau

Tôi cố chờ đợi có thông tin tốt đẹp hơn về vụ việc Hiệu trưởng. Không. Phải là cả Ban Giám hiệu ăn bớt khẩu phần của học sinh ở Lào Cai. Tôi vẫn hy vọng đây chỉ là vụ việc cài bẫy dàn dựng làm hại nhau của người lớn, rồi đưa rùm beng lên nhằm hạ bệ nhau. Hy vọng rằng hình ảnh xót xa ấy chỉ là nhất thời, vụ việc sẽ được sáng tỏ, phần nổi của tảng băng chìm sẽ được nổi lên...

Thế nhưng thông tin từ cơ quan điều tra đã khiến tôi cay đắng, chua xót nhận ra: Đó là sự thực, việc thực, đơn một đằng, bữa ăn một nẻo là có thực. Khẩu phần ăn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có cảnh 11 cháu học sinh xì xụp với hai gói mì tôm nấu lõng bõng, như vậy phần chênh lệch đó đi đâu rất cần cơ quan điều tra của công an trả lời.

học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Bữa ăn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trường Sơn

Việc bớt xén khẩu phần ăn của học sinh lâu lâu lại rộ lên một vài vụ do phụ huynh phát hiện, báo chí vào cuộc phản ánh, cơ quan điều tra vào cuộc. Thật không thể tin nổi, có những nơi đến cả giấy vệ sinh cũng bị… ăn cắp.

Tôi thường đi lên vùng cao leo núi, phần vì yêu thích thiên nhiên, phần vì mến mộ cách sống thật thà, chân chất của người vùng cao. Sự phóng khoáng, cởi mở, thành thật của họ có sức hấp dẫn khó tả, dù ít nói, nhưng lời nói ra như dao chém đá, dứt khoát, thành thật đến cảm động.

Cuộc sống vật chất của người dân tộc thiểu số vùng cao thực sự khó khăn, nhưng họ là phên dậu của đất nước, là đường biên giới sống có tai có mắt nơi biên thuỳ, bảo vệ và chở che cho cuộc sống bình an cho dưới xuôi. Họ sống đó với núi, với rừng, dùng sức mình tạo lên nhiều cảnh sắc mê đắm từ vòng ruộng bậc thang, từ không gian văn hoá bản sắc của họ. Họ là người đáng được trân trọng, trẻ con vùng cao cần lắm sự yêu thương từ chính đồng bào của mình. Sự chân thành của họ là thứ người miền xuôi cần phải học hỏi.

Có lên tận nơi ở cùng họ mới thấy sự khó khăn thiếu thốn đến như thế nào. Trời rét mà có cháu chỉ có áo, không có quần mặc, bữa cơm hết sức đạm bạc thiếu chất.

Nghe đoạn chị nấu bếp trả lời phóng viên đại ý là: “Tôi chỉ là người làm thuê, họ giao bao nhiêu thì nấu từng đó, tôi biết nó thiếu so với thực đơn, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Số chênh lệch ấy đi đâu thì càng không được biết”. Thì tôi thực sự căm ghét cái vẻ ngoài sạch sẽ bảnh bao, béo tốt của gã hiệu trưởng kia, căm ghét cái cách gã đi kè kè cạnh phóng viên canh me từng câu hỏi, từng câu trả lời của gã.

>>Giáo dục Việt Nam: Học một đằng, làm một nẻo

Sự việc càng điều tra sâu, sự thực lộ ra càng cay đắng. Bữa sáng tiêu chuẩn mỗi cháu một gói mì và quả trứng thì 11 cháu chung hai gói. Bữa trưa thực đơn có thịt và xương canh rau thì chỉ có một nhúm giò thái nhỏ. Vậy thì số tiền dùng để mua thức ăn đó đi đâu? Ai chịu trách nhiệm phải trả lời câu hỏi này?

Ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà) tại cuộc làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai ngày 17/12. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà) tại cuộc làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai ngày 17/12. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Bây giờ thì việc đình chỉ công tác của một mình gã hiệu trưởng cũng là chưa đủ. Tội ăn cắp này phải được làm đúng, tính đủ. Tất cả kẻ nào ăn cắp khẩu phần ăn của học sinh, chiếm đoạt tài sản công phải được xử lý hình sự vì tội trộm cắp. Lợi dụng chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với trẻ em vùng cao để trục lợi là hành vi táng tận lương tâm không thể dung thứ.

Tính toán đơn giản, tính cả chi phí vận chuyển do đường xá xa xôi vất vả thì với mức học sinh các cấp học được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở (tương đương 720 ngàn đồng/tháng) kèm thêm hỗ trợ nhà ở, gạo ăn 15 kg/tháng, thì các cháu chí ít cũng được ăn no chứ không dám nói là ăn ngon. Thế mà phóng viên hỏi thì các con đều nói là còn đói. “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, trẻ con lại là trẻ con vùng cao không biết nói dối.

Học sinh phổ thông thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng chế độ theo chính sách ghi tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ với việc hỗ trợ 150 ngàn đồng/tháng/học sinh để mua sách vở và đồ dùng học tập. Thế mà tại trường này còn ăn chặn, ăn cắp cả tiền sách vở khi phải dùng sách của thư viện rồi bảo ghi tên của mình vào sách như là của mình để qua mặt phóng viên.

Cái ung nhọt này phải được cắt bỏ. Đau cũng phải cắt, nếu không sẽ là nỗi đau cho cả nước, là sự vô ơn đối với các thầy cô tâm huyết cắm bản, gieo con chữ trên vùng cao. Những người còn bỏ cả tiền lương ra bù cho học sinh khó khăn để các em được tiếp tục theo học.

Biết bao nhiêu tấm lòng ấm áp luôn hướng về vùng cao với sự thiện nguyện từ tấm áo, manh quần, gói mì, chai mắm ủng hộ thầy cô, học sinh khó khăn nơi vùng cao. Bao nhiêu công sức để các em có suất ăn “cơm có thịt”. Thế mà…

Cần lắm một cuộc thanh tra toàn diện tất cả các điểm trường dân tộc nội trú, bán trú; rà soát việc thực thi chính sách tốt đẹp của nhà nước tại các điểm trường thuộc diện khó khăn. Qua đó, trả lại cho các em học sinh vùng cao quyền lợi chính đáng cũng như một tương lai tốt đẹp.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm việc từ xa, ăn bớt giờ và cái kết

    03:30, 19/01/2023

  • Giáo dục Việt Nam và những nỗi đau

    03:00, 05/10/2023

  • Tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh lạm thu trong giáo dục

    10:19, 10/09/2023

  • Giáo dục Việt Nam: Học một đằng, làm một nẻo

    04:00, 28/08/2023

  • Giáo dục “cá nhân hóa”

    03:30, 06/08/2023

NHẬT QUANG