Phòng chống tác hại thuốc lá - những nhiệm vụ trọng tâm
Với những gánh nặng về bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới.
Sử dụng thuốc lá đang chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác hại đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà các quốc gia đang nỗ lực ưu tiên thực hiện gồm: thực hiện môi trường 100% không khói thuốc; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm diện tích lớn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; tăng thuế thuốc lá; thực thi cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá...
Để nâng cao hiệu quả PCTHTL, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế, Quỹ PCTH của thuốc lá cùng các bộ, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục thể chế hóa các định hướng của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Nghị Quyết số 20 - NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Đó là: Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc xây dựng, thực hiện các văn bản liên quan đến hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, thực hiện các cam kết của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên.
Cần thực hiện đồng bộ cả hai nhóm giải pháp là giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm thuốc lá, giảm cung cấp và bổ sung các sản phẩm thuốc lá mới, giảm tiếp cận, giảm tính hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá một cách hiệu quả.
Tăng cường các quy định, giải pháp để bảo đảm quyền của mọi người, đặc biệt là người không hút thuốc được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói thuốc.
Cần quy định rõ hơn về việc phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá để thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong tất cả các lĩnh vực.
Theo đó, các giải pháp sẽ thực hiện là tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về PCTHTL. Cụ thể là tăng thuế các sản phẩm thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới giá thuốc lá chiếm 75% giá bán lẻ các sản phẩm thuốc lá để đạt mục tiêu giảm tiêu dùng và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trong nam giới Việt Nam; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành về PCTHTL để phát huy vai trò của các Bộ, ngành và các lĩnh vực trong công tác PCTH thuốc lá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL.
Xây dựng chế độ, chính sách để động viên, khen thưởng và khuyến khích cán bộ của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cộng tác viên tại cộng đồng tham gia lâu dài đối với công tác PCTH thuốc lá.
Rà soát chức năng nhiệm vụ của Quỹ PCTHTL, bổ sung, sửa đổi các nhiệm vụ của Quỹ để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Quỹ trong việc hỗ trợ các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ và hiệu quả Luật PCTH thuốc lá; xây dựng cơ chế tài chính đối với hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá và thuốc hỗ trợ cai nghiện. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về PCTH thuốc lá với các hệ thống pháp luật khác.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng và ban hành Quy trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTHTL làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương triển khai kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTHTL thống nhất và có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL; đề xuất xây dựng riêng một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL để làm cơ sở thống nhất cho các cơ quan chức năng tổ chức, thực hiện; tiếp tục xây dựng quy định sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL; nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra tham gia công tác PCTHTL…
Có thể bạn quan tâm