Gắn kết bền vững doanh nghiệp và nhà trường
Gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp và nhà trường có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
>>Kết nối nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao
Tại Việt Nam, khoảng 97% doanh nghiệp là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong khi lực lượng lao động có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở mức chưa cao (26,2%) trong tổng số trên dưới 54 triệu người trong lực lượng lao động. Chất lượng lao động chưa làm hài lòng phần lớn doanh nghiệp, khiến tỷ lệ chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp dành cho đào tạo nâng cao kỹ năng lao động cũng tăng lên.
Thiếu cơ chế thu hút
Từ thực tế này, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia và thực hiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và tạo việc làm bền vững cho người lao động trong tình hình mới là yêu cầu cấp thiết. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 1 trong 8 giải pháp trọng tâm là “gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động”.
Tuy nhiên, hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước về thu hút, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng còn hạn chế. Bản thân các doanh nghiệp chưa có chính sách đãi ngộ người lao động sau khi tham gia đào tạo, được công nhận trình độ kỹ năng.
Cùng với đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa tốt. Doanh nghiệp cũng chưa cung cấp nhu cầu nhân lực lao động, đặc biệt là nhân lực chất lượng hàng năm cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Về phía tổ chức đào tạo, hình thức tổ chức các khóa đào tạo chưa phù hợp với điều kiện của người lao động và tính chất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung của một số chương trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu sản của doanh nghiệp, kết quả kiểm tra, đánh giá chưa tạo được niềm tin cho doanh nghiệp.
Mặc dù yêu cầu gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động là giải pháp trọng tâm nhưng thực tế triển khai còn thiếu thu hút doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng các quy định chính sách liên quan đến giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự rõ ràng. Cơ chế, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn. Chưa có quy định về hình thức đào tạo tại chỗ của doanh nghiệp, đội ngũ giảng viên tại doanh nghiệp, tiêu chuẩn, chứng nhận, quan hệ lao động, hợp đồng lao động đối với nhóm lao động này…
Chưa có hợp đồng đào tạo và nghĩa vụ cụ thể các bên khi doanh nghiệp đặt hàng với cơ sở GDNN để đào tạo, hoặc nhà trường tuyển và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN, trung tâm đào tạo được doanh nghiệp thành lập, chế độ rõ ràng cho người được phân công giảng dạy ở doanh nghiệp khi tiếp nhận sinh viên thực tập.
Thậm chí, một số quy định còn hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động GDNN ví dụ như quy định người hướng dẫn tại doanh nghiệp phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm…
>>Nhà trường – doanh nghiệp cùng phối hợp để nâng cao chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp
Gắn kết hội đồng kỹ năng
Do đó, cần thực hiện tốt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Theo đó, thứ nhất xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.
Thứ hai, xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động thông qua nâng cao năng lực, phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về cung, cầu đào tạo nghề nghiệp.
Thứ tư, đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp đặc biệt các ngành nghề KH-KT-CN, ưu tiên cho CNTT, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia kết hợp với điều tra định kỳ hoặc đột xuất về nhu cầu lao động, nhu cầu kỹ năng, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp và phản hồi của người tốt nghiệp phục vụ quản lý và đào tạo.
Thứ năm, tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp, gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thứ sáu, tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi kỹ năng nghề ở các cấp. Thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết sẽ mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn 2026 – 2030.
Đặc biệt, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt. Đánh giá, dự báo, xác định nhu cầu kỹ năng và quy mô lực lượng lao động. Xây dựng mô hình gắn kết các hội đồng kỹ năng với các chính sách về trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia với mô hình đào tạo phù hợp gắn kết Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Kết nối nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao
01:10, 16/05/2023
Kết nối nhà trường và doanh nghiệp
01:30, 18/04/2023
Cơ hội rộng mở cho học sinh lớp 12 nhờ mô hình hợp tác "nhà trường - doanh nghiệp"
15:15, 28/03/2023
Cân đối nhu cầu đào tạo nhân lực du lịch giữa nhà trường và doanh nghiệp
02:00, 08/03/2023