10 sự kiện chính trị, kinh tế nổi bật năm 2023
Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới là một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2023.
>>10 sự kiện nổi bật của ngành Thuế trong năm 2023
1. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Chỉ đạo tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trung ương đã kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ theo quy định.
2. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam
Hai chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và đánh dấu việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Việt Nam tích cực tham gia đóng góp sáng kiến tại các tổ chức khu vực và quốc tế; thể hiện vai trò, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Ban hành các Quy định mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Các Quy định 114-QĐ/TW, 131-QĐ/TW, 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, bị khởi tố, xét xử. Đặc biệt, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị khác, 23 cán bộ thanh tra, kiểm toán đã bị khởi tố; phát hiện số tiền nhận hối lộ của một cá nhân lên tới 5,2 triệu USD - lớn nhất từ trước đến nay.
4. Việt Nam là điểm sáng phục hồi kinh tế
Việt Nam đạt tăng trưởng GDP trên 5%. Mức tăng này tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 6,5%, nhưng được các định chế tài chính quốc tế đánh giá là khá cao và tích cực so với nhiều nền kinh tế khác, xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm.
Các yếu tố giúp nền kinh tế có khả năng phục hồi bao gồm kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục, nỗ lực giải ngân đầu tư công, vốn FDI cao nhất kể từ năm 2020, dịch vụ trong nước được phục hồi.
Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt 431 tỷ USD, lên mức 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Các hãng truyền thông lớn nhận định với nỗ lực tăng trưởng, Việt Nam đang nổi lên như một đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn.
5. Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là nghị quyết thứ hai của Bộ Chính trị về doanh nhân sau 12 năm kể từ nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011).
Nghị quyết chỉ rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp chính, nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, xây dựng một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết 41 là sự động viên to lớn với đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở thời điểm còn nhiều khó khăn như hiện nay. Sau 37 năm đổi mới, hiện có khoảng 10 triệu doanh nhân, gần 900.000 doanh nghiệp, đóng góp 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 15 triệu lao động.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị được ban hành thời điểm này, tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa; luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Thời gian qua, những chính sách được ban hành, triển khai sớm và kịp thời cho thấy sự đồng hành, chia sẻ, lắng nghe với các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhanh, mạnh và bền vững.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế
6. Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII
Sau nhiều năm chuẩn bị, trình và sửa đổi, hoàn thiện, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Bản quy hoạch này mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước.
7. Lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong thời gian ngắn
Từ tháng 3 đến tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong thời gian ngắn. Việc điều chỉnh này là giải pháp linh hoạt, tạo nền tảng cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
8. Giải ngân vốn đầu tư công đạt giá trị lớn nhất từ trước đến nay
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt hơn 461.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này đạt được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ tới các bộ, ngành trung ương và địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, thủ tục...
Việc giải ngân nhanh và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đã trở thành động lực quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
9. Xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp
Xuất siêu ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022 và là năm thứ 8 xuất siêu liên tiếp. Nhiều nhóm hàng nông sản tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 4,4 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2009.
Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục theo hướng khả quan, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Xuất siêu đang góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.
10. Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh, đổ xô các kỷ lục
Giá vàng trong nước sáng 26/12 tiếp tục tăng mạnh và vượt ngưỡng 80 triệu đồng/lượng, đây là ngưỡng cao nhất lịch sử tính đến thời điểm này. Điều đáng nói, chỉ sau khoảng vài tiếng đồng hồ, giá vàng đã tăng phi mã, mức tăng lên tới 1 triệu đồng/lượng, liên tục lập đỉnh mới trong lịch sử.
Giá vàng miếng trong nước đang cao nhất trong lịch sử và cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 19 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới quy đổi liên tục tăng những ngày gần đây, khi giá vàng miếng tăng mạnh hơn nhiều so với giá quốc tế.
Trong tháng 12, giá vàng miếng liên tục phá đỉnh lịch sử. Từ đầu năm mỗi lượng vàng miếng tăng 13 triệu đồng. Nhiều phiên giao dịch vàng miếng tăng tới 2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng tăng khoảng 19 - 20%.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 41-NQ/TW: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội
01:41, 23/12/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách thúc đẩy ngành dệt may phát triển
01:30, 15/12/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Phát triển đội ngũ doanh nhân đủ tâm và tầm
05:05, 12/12/2023
Nghị quyết 41/NQ-TW: Cần một cơ chế đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp
02:46, 08/12/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách giúp năng lượng tái tạo phát triển
04:00, 03/12/2023
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW
13:09, 01/11/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới
03:14, 20/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế
05:30, 19/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Nâng tầm khát vọng!
20:35, 18/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Khởi đầu mới trong tình hình mới
03:08, 18/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Thôi thúc xã hội có góc nhìn mới về đội ngũ doanh nhân Việt Nam
11:30, 17/10/2023