Dự cảm kinh tế Việt Nam 2024: Nhu cầu hàng hóa toàn cầu sẽ khởi sắc
LTS: Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rất lạc quan và kỳ vọng vào tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong năm 2024.
>>Dự báo kinh tế 2024: Còn ẩn số nhưng sẽ tốt hơn năm 2023
Trong một thế giới VUCA với liên tiếp những bất ổn, dòng chảy hàng hóa toàn cầu năm 2023 đã phần nào chứng minh được việc luôn có thể tìm ra “một cánh cửa mới” cho sự ổn định. Nhu cầu các hàng hoá cơ bản như dầu thô, kim loại, nông sản… sẽ bắt đầu khởi sắc rõ rệt hơn kể từ cuối năm 2024.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Theo ông, thị trường hàng hoá đã có những biến động như thế nào trong năm 2023 và chịu tác động chủ yếu từ những yếu tố nào?
Trong dòng chảy đầy biến động của thị trường hàng hóa, năm 2023 được ghi nhận có phần ổn định hơn. Điều này thể hiện ở diễn biến của đồ thị giá, khi phần lớn giá các mặt hàng giao dịch quan trọng đều hạ nhiệt so với mức trung bình của năm trước. Mức đỉnh chỉ số hàng hóa thế giới cũng thấp hơn đến 20% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, xu hướng giá lại khá khó dự đoán, có thời điểm đi lên đột biến nhưng cũng có thời điểm lại rơi vào chu kỳ “gấu” chạm đáy. Điều này cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trong năm 2023 khá là đa chiều.
Đơn cử như trong nhóm hàng nông sản, cuối tháng 11 vừa qua, giá ngô Mỹ đã hạ xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua. Trong khi đó, giá gạo thô đã có thời điểm leo lên mức đỉnh của 15 năm và vẫn đang neo cao ngất ngưởng so với trung bình các năm.
Biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gạo Ấn Độ; đe dọa đến ngành sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới – Brazil; hoạt động trồng và thu hoạch cà phê ở Việt Nam, Brazil…
Một yếu tố khác nhưng quan trọng hàng đầu đã tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa trong năm qua là “sức khỏe” của các nền kinh tế. Các NHTW trên thế giới đều giữ lãi suất cao để hạ nhiệt lạm phát. Điều này gián tiếp gây ra căng thẳng trên thị trường tài chính quốc tế, điển hình là một số ngân hàng Mỹ đã bị sụp đổ hồi tháng 3, tháng 4 đầu năm 2023.
Căng thẳng chính trị mặc dù đã giảm bớt so với năm trước, nhưng theo tôi vẫn là điểm nóng của thị trường. Trong bối cảnh đầy biến động này, tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn và dòng tiền đầu tư lại chảy mạnh vào kênh tài sản trú ẩn an toàn. Điều này thể hiện trong diễn biến giá mặt hàng kim loại quý có xu hướng tăng cao, điển hình là giá bạc biến động theo giá vàng thế giới, đạt đỉnh của một năm vào hồi tháng 5 năm nay và hiện vẫn đang ở mức cao.
- Những biến động này ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế nói chung và hoạt động giao dịch trên thị trường hàng hoá nói riêng, thưa ông?
Có nhiều yếu tố đan xen tác động lên thị trường hàng hóa trong năm 2023. Còn với hoạt động giao dịch trên thị trường hàng hóa phái sinh, thực chất là giao dịch hai chiều và T+ 0, những biến động này lại mang đến nhiều cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư trong việc đa dạng danh mục đầu tư, bên cạnh thị trường truyền thống.
Theo MXV, năm 2023, giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 4.000 tỷ đồng/phiên với các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất là dầu WTI và dầu WTI micro. Tiếp đó là đậu tương, lúa mì, cà phê Arabica, đồng micro, bạch kim… Đây cũng đều là những mặt hàng có giá biến động mạnh trong năm.
Tuy nhiên, biến động giá cả thị trường hàng hóa cũng gây nhiều khó khăn trong việc lên chiến lược giao dịch cho các bên tham gia thị trường dù với mục đích đầu tư hay phòng hộ giá.
Cụ thể hơn như ở thị trường nông sản trong năm 2023, thị trường đã chứng kiến những cú sốc lớn về giá của đậu tương và ngô, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 7. Trong giai đoạn này, giá ngô đã giảm hơn 53 USD/tấn, trong khi giá đậu tương tăng tới gần 100 USD/tấn.
Ở góc nhìn rộng hơn, biến động phức tạp và không chắc chắn từ yếu tố địa chính trị, đến các chính sách kinh tế trong năm qua cũng tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
- Vậy theo ông, thị trường hàng hoá trong năm 2024 sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
Những chỉ số kinh tế thế giới 11 tháng đầu năm nay đang nói lên xu hướng của thị trường hàng hóa trong năm 2024. Ít nhất trong nửa đầu năm 2024, thị trường sẽ phải đối diện với một số khó khăn, đầu tiên là sức cầu yếu.
Địa chính trị và chính trị nội địa như là các cuộc bầu cử ở Mỹ, Anh, Nam Phi, Ấn Độ và Nga sắp tới sẽ là những rủi ro đáng quan ngại trong năm 2024. Các yếu tố này có thể dẫn đến sự phân mảnh các nền kinh tế, hạn chế thương mại và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Riêng với thị trường năng lượng, xu hướng của giá sẽ gắn liền với chính sách sản lượng của OPEC+. Sự phân hóa quan điểm giữa các thành viên trong nhóm đang làm tăng sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết hay không.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến cục diện thị trường hàng hóa, đặc biệt là nhóm các mặt hàng nông sản. Sau 3 năm liên tiếp đối mặt với các biến động lịch sử, bài học đắt giá nhất mà các doanh nghiệp có được là luôn phải có chiến lược quản lý rủi ro, đầu tư thông minh. Trong bối cảnh giá nông sản sẽ còn nhiều biến động và khó đoán thì sự linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với sự biến động sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Trong “nguy” có “cơ”. Tôi cho rằng biến động vĩ mô sẽ làm nổi bật lên vai trò đầu tư của các nhóm kim loại quý và đây có thể tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong năm 2024.
- Trong thế giới VUCA, ông nhận định thế nào về triển vọng hàng hoá năm 2024?
Trong một thế giới VUCA với liên tiếp những bất ổn địa chính trị, sự phân hóa trong chính sách giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, cùng áp lực vĩ mô, thì sự biến động và tính chất khó đoán trên thị trường hàng hóa trong năm 2024 chắc chắn là không thể tránh khỏi. Mặc dù vẫn có những khó khăn, tôi vẫn giữ quan điểm tương đối lạc quan đối với thị trường.
Năm 2024 sẽ là năm bản lề sau khi thị trường hàng hóa đã phần nào vượt qua khoảng thời gian khó khăn do Covid-19, bất ổn đến từ các cuộc xung đột, lạm phát tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Do đó, tôi kỳ vọng nhu cầu các hàng hoá cơ bản như dầu thô, kim loại, nông sản… sẽ bắt đầu khởi sắc rõ rệt hơn kể từ cuối năm 2024.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu gạo tiếp đà tăng tốc năm 2024
03:30, 29/12/2023
Dự báo kinh tế 2024: Còn ẩn số nhưng sẽ tốt hơn năm 2023
05:03, 28/10/2023