10 dấu ấn và sự kiện nổi bật liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam năm 2023

BBT 31/12/2023 13:00

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp công bố 10 dấu ấn nổi bật liên quan đến hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp năm 2023.

>>[eMagazine] 10 DẤU ẤN CHÍNH SÁCH cho thị trường bất động sản 2023

1. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết số 09-NQ/TW được ban hành cách đây 12 năm.

Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023

Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023

Nghị quyết số 41-NQ/TW với những nội dung mới, rất quan trọng về quan điểm, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân, như khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đề ra yêu cầu tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến; bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế; ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia và xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân,…

Nghị quyết được ban hành đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2023 và được giới doanh nhân chào đón như món quà đặc biệt của Bộ Chính trị, động viên và tạo điểm tựa để doanh nhân Việt Nam vững vàng phát triển, xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đóng góp xứng tầm cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

2. Mở rộng quan hệ ngoại giao, thế giới - Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, tạo cơ hội và thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp

Tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hai bên chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên mức cao nhất, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này hai bên đã ký 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tạo khuôn khổ quan hệ hợp tác lâu dài, làm phong phú nội hàm hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, đã diễn ra hơn 170 hoạt động đối ngoại cấp cao. Trong đó có hơn 30 chuyến thăm của các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt đến các quốc gia, đón hơn 30 đoàn lãnh đạo cấp cao đến Việt Nam, hơn 80 cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến đã được thực hiện.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 nước, đặc biệt là quan hệ với các đối tác quan trọng, các nước láng giềng ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

3. Năm chỉ đạo định hướng của Chủ tịch nước tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập

Tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập VCCI (27/4/1993-27/4/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ 5 chỉ đạo có tính chất định hướng tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam:

Thứ nhất, mỗi lực lượng trong xã hội đều có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng để đất nước giàu mạnh thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là lực lượng tiên phong, chủ lực trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp luôn gắn liền với hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, mà trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước. Phải xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60 đến 65%.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống VCCI (27/4/1963-27/4/2023)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống VCCI (27/4/1963-27/4/2023)

Thứ hai, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bao hàm và nâng đỡ cho khát vọng làm giàu chân chính của mỗi người. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường đoàn kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng... tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường, hội nhập quốc tế thành công; mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế theo tinh thần cùng thành công, cùng thắng. Mỗi doanh nhân phải nhận thức rõ vai trò của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đoàn kết, hợp tác với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phải quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà trong doanh nghiệp, đảm bảo tốt việc làm, thu nhập và phát triển nghề nghiệp, tài năng của người lao động.

Thứ ba, tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng, là điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Mỗi doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, biết điều gì đúng nên làm để phát huy và điều gì sai không nên làm. Trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp, cần hướng đến việc khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội. Phát triển doanh nghiệp không chỉ hướng tới tạo ra các tỷ phú mà hơn nữa, còn phải tạo ra các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, sở hữu các công nghệ tiên tiến, cồng nghệ lõi, hoạt động ở tầm đa quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển phải bền vững cả về kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường, đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến tương lai.

Thứ tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các hiệp hội doanh nghiệp có vai trò, nhiệm vụ quan trọng trong tập hợp, thúc đẩy phát triển và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam, Liên đoàn phải thực sự là trung tâm tập hợp, đoàn kết và hỗ trợ, là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công. Là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với giới doanh nhân, doanh nghiệp, Liên đoàn phải chuyển tải được ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, thực tiễn sản xuất, kinh doanh vào quá trình xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Liên đoàn, các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp cần tiên phong xây dựng, hình thành hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh phù hợp với giá trị, đạo đức, văn hoá Việt Nam, với tinh hoa văn hoá kinh doanh quốc tế; đề cao tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ năm, trong quá trình đổi mới đất nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận hữu cơ quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đó là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động sản xưất, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam cam kết tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư nuớc ngoài theo pháp luật và các điều uớc, hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

4. Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững

Năm 2023, hàng loạt chính sách đã được chính phủ ban hành kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, chính sách quan trọng nhất là Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Trong đó Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp BĐS khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án BĐS nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Bên cạnh đó, toàn bộ các chính sách (bao gồm giãn, hoãn, giảm thuế, phí…) mà Chính phủ triển khai trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ cho các thị trường, như thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch…, có thể nói là chưa từng có. Đáng chú ý, hầu hết các chính sách hỗ trợ được áp dụng từ thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đến nay được giữ nguyên. Theo đó, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ về thuế năm 2023 là 165.026 tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn là 106.946 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm là 58.080 tỷ đồng.

5. Quốc hội thông qua các Luật quan trọng liên quan đến sự phát triển của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp

Sau hơn 22 ngày làm việc (từ 23/10 đến 29/11/2023), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 luật và 9 nghị quyết. Trong đó có nhiều luật quan trọng tác động quan trọng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)...

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay.

6. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu

Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 5,05% với nhiều tín hiệu tích cực: Xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD – cao nhất kể từ năm 2009; Vốn FDI đạt mức cao nhất kể từ năm 2020, trong đó vốn đăng ký đạt 36,61 tỷ USD (tăng 32,1%) và vốn thực hiện đạt 23,18 tỷ USD (tăng 3,5%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,22%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,22%.

Đặc biệt xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức 28 tỷ USD, tăng gần gấp 2,3 lần năm 2022. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Phát triển doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, có trên 217,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

7. APEC 2023 mở ra nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ

Chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ ngày 14 -17/11 vừa qua đã để lại những dấu ấn quan trọng, mở ra nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư cho cả doanh nghiệp hai nước thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cảng hàng không và cảng biển.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký poster lưu niệm tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký poster lưu niệm tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Ảnh: TTXVN

Trên đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đánh giá cao thành tựu và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam; bày tỏ mong muốn tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đề xuất những ý tưởng, lĩnh vực Việt Nam cần tập trung cải thiện để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyến tham dự APEC 2023 và kết hợp với hoạt động song phương tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã để lại dấu ấn quan trọng trong chương trình đối ngoại năm 2023 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần triển khai Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, thúc đẩy hợp tác công nghệ cao, kinh tế xanh và kết nối địa phương giữa hai nước.

8. Dấu ấn FDI – “Điểm sáng” Việt Nam

Năm 2023 nguồn vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Samsung đầu tư 19 tỷ USD, gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; hay Apple và nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới khác như Google, Dell, Amazon cũng đang thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đây sẽ là những cơ sở để Việt Nam phát triển ngành công nghệ bán dẫn trong nước.

Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023. Nguồn: Bộ kế hoạch và Đầu tư.

Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023. Nguồn: Bộ kế hoạch và Đầu tư.

Việt Nam thực tế có nhiều điểm mạnh trong thu hút FDI, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn, các phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh và đều khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đầu tư.  Thứ nhất, tình hình an ninh, chính trị ổn định là điều kiện quan trọng để quyết định đặt nền móng hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới vừa là trung tâm kết nối của khu vực. Thứ ba, với số dân 100 triệu người, Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh.

Quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy dòng vốn mồi đầu tư công của Việt Nam trong giai đoạn qua, đặc biệt là tập trung vào cơ sở hạ tầng, được kỳ vọng sẽ chất xúc tác quan trọng cho dòng vốn ngoại giai đoạn tới đây.

9. Dấu ấn nổi bật của lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này

Tổng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2023 tiếp tục duy trì mức cao kỷ lục, ước tính đạt trên 53 tỷ USD. Thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.

Sản xuất lan vũ nữ theo chuỗi liên kết thu nhập cao giữa nhà doanh nghiệp với nhà nông tại huyện Di Linh

Sản xuất lan vũ nữ theo chuỗi liên kết thu nhập cao giữa nhà doanh nghiệp với nhà nông tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

10. Tác động lan tỏa của đầu tư công đến phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi, phát triển KTXH

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi, phát triển KTXH.

Những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về đầu tư công đã phát huy hiệu quả. Giải ngân vốn đầu tư công tăng so với năm trước cả về số tuyệt đối và tương đối, góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước, trong đó có việc đưa gần 700 km đường bộ cao tốc vào sử dụng.

Ước giải ngân đến hết tháng 11 năm 2023 đạt khoảng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% về tỷ lệ và cao hơn khoảng 123 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao (có 03 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 75%).

Đầu tư công thực sự giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là vốn mồi để huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tạo không gian, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • [eMagazine] 10 DẤU ẤN CHÍNH SÁCH cho thị trường bất động sản 2023

    05:00, 29/12/2023

  • 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2023

    02:30, 26/12/2023

  • 10 sự kiện nổi bật của ngành Thuế trong năm 2023

    00:30, 23/12/2023

BBT