Quy hoạch Hà Nội: Tầm nhìn và khát vọng tương lai
Quy hoạch đô thị là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Để quy hoạch đạt được hiệu quả cao cần thực hiện đồng bộ, nghiêm túc.
>>> Động lực tăng trưởng mới cho Thủ đô
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai song hành, lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 và nhiệm vụ lập quy hoạch (theo Quyết định số 313/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đồng bộ quy hoạch để đảm bảo chất lượng
Cùng với đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội vào năm 2024. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển đô thị Thủ đô. Quá trình phát triển vừa qua đạt được nhiều kết quả, song cũng bộc bộ một số hạn chế, thách thức liên quan đến quy hoạch chung.
GS Hoàng Văn Cường – nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, lập Quy hoạch Thủ đô là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu việc khó nhưng phải hoàn thành trong thời gian tương đối khẩn trương. Tuy nhiên, điểm thuận lợi đó là có sự quyết tâm rất lớn từ chính quyền TP, luôn đồng hành cùng với các đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng nên chỉ trong thời gian ngắn, Liên danh tư vấn đã hoàn thành được phương án đề xuất ban đầu, nêu được các định hướng, ý tưởng lớn cho phát triển Thủ đô.
“Để bảo đảm yêu cầu chất lượng đặt lên hàng đầu, việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã quán triệt và bảo đảm sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, nghị định, các thông tư hướng dẫn thực hiện. Quy hoạch cũng bảo đảm tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch Thủ đô với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, bảo đảm sự kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành, lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh”, GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích.
Phát triển đô thị văn minh, thông minh, sáng tạo
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là lập quy hoạch cấp tỉnh nhưng không phải chỉ là quy hoạch cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh mà là quy hoạch phát triển Thủ đô cho cả nước. Ý thức được tầm quan trọng đó, sau khi phân tích, đánh giá, HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để phù hợp với tình hình thức tế, đem lại hiệu quả cao.
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đề án có những điểm đổi mới nổi bật sau:
Thứ nhất, thay vì phát triển 5 đô thị vệ tinh, TP. Hà Nội tập trung phát triển 2 đô thị vệ tinh, 3 đô thị vệ tinh còn lại sẽ nằm trong quy hoạch thành phố trong thành phố. Đồng thời, đồ án quy hoạch này làm rõ nét hơn vai trò của sông Hồng - trục không gian cảnh quan quan trọng của thành phố. Khi đó, việc thành lập hai đô thị, hai thành phố, trong đó có thành phố phía Bắc và phía Nam sẽ tạo ra thành phố bên sông.
>>> Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị
“Việc đồ án quy hoạch này được nghiên cứu chỉn chu và thực hiện nghiêm túc sẽ là tiền đề, điểm tựa giúp thành phố phát triển. Bởi, đây cũng là dịp tích hợp quy hoạch đa ngành và để Hà Nội soi chiếu, đánh giá lại quy hoạch thủ đô trong thời gian qua”, chuyên gia khẳng định.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng Hà Nội cần quan tâm và làm rõ nét mô hình thành phố trong thành phố để xây dựng phương án quy hoạch phù hợp.
Thứ hai, đặc thù của TP. Hà Nội là phát triển từ nông nghiệp, vì vậy vai trò của nông thôn rất quan trọng. Do đó, Hà Nội cần xác định được vành đai xanh, các đô thị vệ tinh xanh và hiện đại với sự tích hợp các khu dịch vụ phù hợp.
Chuyên gia cũng đánh giá thành phố cần xem xét, huy động nguồn lực kỹ lưỡng: “Bởi đất đai là nguồn lực quan trọng, một mét vuông đất đô thị cũng là nguồn lực để phát triển. Trước đây, chúng ta đã lãng phí đất đai bởi các dự án không khả thi nhưng vẫn được phê duyệt, dẫn đến việc có dự án “đắp chiếu” 20-30 năm gây lãng phí nguồn lực. Do đó, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội huy động nguồn lực đất đai hợp lý”.
KTS. Phạm Thanh Tùng cũng kỳ vọng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thời gian tới sẽ được phê duyệt trong bối cảnh thuận lợi nhất, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua. “Tất nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch không hề đơn giản và cần rất nhiều thời gian, tuy nhiên sự quyết tâm, ý chí của lãnh đạo rất quan trọng để chúng ta hiện thực hóa những ước mơ này. Thay vì vừa làm vừa điều chỉnh, cần làm đến đâu chắc đến đó”, chuyên gia nói.
Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền TP Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Hy vọng với sự quyết tâm của thành phố và việc tổ chức nghiên cứu khoa học, thực tiễn, với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng, sẽ tạo lập được quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm