“Chìa khóa” tăng năng suất lao động
Đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
>>"Nghịch lý" lao động dồi dào nhưng tốc độ tăng năng suất lao động thấp
Đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Minh Đức – Phó trưởng khoa Kinh tế - Đại học Hàng Hải Việt Nam, Giám đốc Trung tâm đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong – Nhật Bản tại Việt Nam về vấn đề này.
- Đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030”, theo ông đâu là điểm nhấn chính của chương trình này?
Vào đầu tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030. Trong đó, đưa ra 6 nhóm giải pháp để tăng năng suất lao động của đất nước. Đặc biệt, nhấn mạnh rất rõ vai trò của công tác chuyển đổi số cũng như ứng dụng các công nghệ mới để có thể tăng năng suất lao động.
Theo tôi, điều này đã được thể hiện rõ bởi nó vừa nhắc đến việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào chuyển đổi số để tăng năng suất lao động tại các doanh nghiệp, tại các lĩnh vực sản xuất của đất nước, vừa thể hiện yêu cầu việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong việc đào tạo và phát triển nhân lực, cũng như tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số.
Như vậy, cả ba lĩnh vực về sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại các nhà trường và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đều nhấn mạnh đến yêu cầu về chuyển đổi số. Và chúng ta cũng có thể thấy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao có một vai trò rất quan trọng trong giải pháp mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra trong chương trình này.
- Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tăng năng suất lao động bình quân, vậy những yếu tố nào sẽ tác động đến việc này, thưa ông?
Về mặt nguyên lý thì tăng năng suất lao động đến từ việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các yếu tố đầu vào để tạo ra nhiều hơn các sản phẩm đầu ra. Như vậy, để tăng năng suất lao động bình quân, có rất nhiều vấn đề cần thực hiện, có thể kể đến như:
Thứ nhất, đó là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, trong đó có cả nguồn lực về tài nguyên, nguồn lực về con người, nguồn lực về vốn và nguồn lực liên quan đến cơ chế chính sách. Trong đó, điều mà chúng ta hướng đến là tăng năng suất của lao động cũng như vốn. Còn việc tăng năng suất từ tài nguyên, chúng ta cũng nên tìm cách để hạn chế. Bởi đó là câu chuyện bền vững. Về nguồn nhân lực, chúng ta cần phải đầu tư để có những người lao động có tay nghề cao, kỹ năng cao để phục vụ cho việc tăng năng suất. Đây là yêu tố rất then chốt cho sự phát triển bền vững.
Thứ hai, chúng ta phải có công cụ hỗ trợ cho người lao động trong việc tăng năng suất. Ngoài việc đào tạo lao động lành nghề, có kiến thức kỹ năng thì những công cụ liên quan đến các phần mềm, chuyển đổi số hỗ trợ cho người lao động để tăng năng suất là rất quan trọng. Và để làm được điều đó thì cần có nguồn vốn đầu tư để duy trì các hệ thống phần mềm.
Ngoài ra, cũng cần phải có chính sách hỗ trợ và hợp lý từ phía nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp vận hành theo hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
>>Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần tăng năng suất lao động
- Năng suất lao động của Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp khi đặt trong mối tương quan với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Để khắc phục điều này, các ban ngành liên quan cần phải điều chỉnh điều gì, thưa ông?
Thực tế cho thấy các DNNVV sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi muốn tăng năng suất lao động. Tại khá nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam quy mô nhân sự có thể chỉ dưới 10 người, khi vị trí việc làm chưa được mô tả rõ ràng, quy trình việc làm cũng chưa được chuẩn hóa, thiếu vốn để đầu tư công nghệ cao, lượng hàng thấp và người lao động năng lực, tay nghề hạn chế thì làm sao có thể tạo ra được năng suất lao động cao?
Hơn nữa, khi khối lượng công việc không nhiều và người lao động không phải làm việc với cường độ quá cao thì họ không có nhu cầu sử dụng những công nghệ cao. Do đó, bản thân họ cũng không có nhu cầu chuyển đổi số. Đó là một bài toán cần tìm lời giải.
Nên chăng, chúng ta cần phải có sự khuyến khích từ nhà nước để thành lập hoặc phát triển các doanh nghiệp đi đầu, mang tính chất định hướng. Từ đó, các doanh nghiệp khác có thể sẽ theo quy mô, mô hình của doanh nghiệp dẫn dắt, kể cả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ hay là logistics.
Còn như hiện nay, chúng ta đang bị sa vào tình thế quá nhiều DNNVV, thị trường phân mảnh, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh với nhau. Xu hướng chung, theo tôi có thể là nên sáp nhập, liên kết và phát triển.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số, Nhà nước sẽ có vai trò dẫn dắt. Bởi việc sử dụng phần mềm như thế nào, công nghệ gì, tiêu chuẩn hóa ra sao rất cần có sự dẫn dắt của phía nhà nước, tránh tình trạng các doanh nghiệp tự phát triển các nền tảng riêng của mình và cuối cùng đến lúc các nền tảng đó không thể giao tiếp với nhau, tạo ra một sự lãng phí.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
"Nghịch lý" lao động dồi dào nhưng tốc độ tăng năng suất lao động thấp
10:57, 26/12/2023
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần tăng năng suất lao động
01:06, 24/12/2023
Cần nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực
03:01, 01/11/2023
Cần giải pháp tổng thể cho bài toán năng suất lao động nhiều năm không "về đích"
11:19, 28/09/2023
Thay vì đối đầu, AI được tận dụng gia tăng năng suất lao động
03:00, 17/08/2023
Nam Định: Đưa công nghệ số để cải thiện năng suất lao động
15:00, 17/06/2023
Tại sao năng suất lao động thường xuyên không đạt chỉ tiêu?
10:01, 01/06/2023