“Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” tạo đột phá hạ tầng
Theo định hướng phát triển ngành giao thông vận tải Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, khoảng 2.069.005 tỷ đồng, chiếm 2,32% GDP.
>>Ngành vật liệu xây dựng năm 2024: Kỳ vọng khởi sắc nhờ thúc đẩy đầu tư công
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ GTVT cho biết khi trao đổi với DĐDN.
-Định hướng “đầu tư công kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác đầu tư công- tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược” đã thể hiện tính hiệu quả như thế nào trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay thưa ông?
Thứ nhất, hệ thống giao thông đường bộ có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều công trình đầu tư theo hình thức PPP được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm bảo quốc phòng - an ninh, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ hai, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần thì việc huy động vốn thông qua hình thức PPP là hướng đi đúng đắn giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước… Tiêu thụ một lượng lớn nguyên, nhiên vật liệu sản xuất trong nước, tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động.
Thứ ba, đối với người sử dụng, sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, đi lại trên tuyến đường an toàn hơn. Ô tô đi lại trong phạm vi giữa 2 trạm thu phí và người đi xe máy, xe thô sơ (khoảng 60 triệu xe máy là phương tiện chủ yếu của đa số người dân so với khoảng 5 triệu xe ô tô) được sử dụng công trình có mức độ phục vụ tốt hơn mà không mất phí.
Thứ tư, đối với nhà nước từ kết quả và kinh nghiệm có được trong việc triển khai các dự án giao thông PPP đã khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, cần tiếp tục được phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác.
-Tuy nhiên, thực tế còn nhiều điểm nghẽn, vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?
Để thúc đẩy thực hiện mô hình PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải trong thời gian tới phải dựa trên các yêu cầu, nguyên tắc thực hiện các dự án PPP mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tuân thủ. Trên cơ sở tình hình thực hiện mô hình PPP trong thời gian qua và các nguyên tắc căn bản, cần xem xét việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về PPP: cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách, sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng... bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho việc huy động nguồn lực khu vực tư.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện một số dự án PPP tiên phong, đặc biệt ưu tiên một số dự án PPP tiềm năng có tính lan tỏa cần được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, trong đó có việc xem xét huy động vốn ODA cho một số dự án, thực hiện chuẩn bị và lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành. Việc thực hiện thành công các dự án PPP ban đầu đòi hỏi sự quan tâm, đôn đốc quyết liệt của cả Chính phủ và địa phương.
Bố trí nguồn lực tài chính và sử dụng các công cụ bảo đảm đầu tư: việc bố trí nguồn lực tài chính tối thiểu để làm “đối ứng” cho các dự án PPP cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và sử dụng các công cụ tài chính, công cụ bảo đảm, bảo lãnh rủi ro cho các dự án PPP là yếu tố rất cần thiết để hấp dẫn và thu hút được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực: theo kinh nghiệm các nước đã thực hiện tốt mô mình PPP như Hàn Quốc, Phi-lip-pin, việc triển khai đào tạo là không thể thiếu. Trong thời gian tới, tổ chức bộ máy, nhân sự thực hiện PPP cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp ở các cấp thực hiện dự án PPP.
Đồng thời, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin: đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước tiếp cận thông tin; tăng việc minh bạch thông tin tới xã hội, người dân cũng như tăng tinh thần trách nhiệm, tính giải trình của phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt là của người đứng đầu.
>>Đủ lý do "chậm" tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
- Ông kỳ vọng cũng như có đề xuất ưu tiên nào cho sự phát triển của lĩnh vực hạ tầng giao thông trong năm 2024?
Một là việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đặc biệt năm 2024, trình Quốc hội thông qua Luật đường bộ sửa đổi, trong đó hướng tới tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Hai là phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng phát triển ngành giao thông vận tải nói riêng và mang tầm chiến lược phát triển dài hạn của cả đất nước nói chung.
Ba là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng…
Bốn là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, đặc biệt thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025 và dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Năm là đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong đầu tư hạ tầng giao thông; đồng thời tăng cường liên kết vùng, nhất là hạ tầng giao thông nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế - xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Giải ngân vốn đầu tư công - thấp thỏm mừng, lo
04:30, 21/12/2023
Ngành vật liệu xây dựng năm 2024: Kỳ vọng khởi sắc nhờ thúc đẩy đầu tư công
04:30, 21/12/2023
Hải Dương: Quyết tâm giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công
05:44, 20/12/2023
Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công thấp từ đâu?
10:08, 19/12/2023