Thái Bình: Chuyển đổi số là cơ hội để phát triển

TRUNG THÀNH 01/01/2024 00:03

Thái Bình đang quyết tâm chuyển đổi số với hy vọng từng bước thay đổi, đổi mới phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

>>>Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG tại Thái Bình

Từ số hóa mọi mặt...

Với mục tiêu, trở thành một trong những địa phương trong TOP đầu khu vực về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó, xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Theo UBND TP Thái Bình: Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để tập trung phát triển kinh tế, thành phố cũng đã triển khai một số giải pháp hướng tới xây dựng đô thị hiện đại, văn minh. Một trong những bước đột phá của thành phố đó là gắn mã QR trên bảng tên các tuyến đường, tuyến phố tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm thông tin. 

Thái Bình xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá cho sự phát triển bền vững, toàn diện (Ảnh: Báo Thái Bình)

Thái Bình xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá cho sự phát triển bền vững, toàn diện (Ảnh: Báo Thái Bình)

Ông Trần Quang Khải - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cho biết: Thành phố hiện có khoảng 700 tuyến đường, tuyến phố, trong đó nhiều tuyến đường, tuyến phố gắn với các vị danh nhân. Trước đây, việc tìm kiếm thông tin gặp nhiều khó khăn cho người dân. Từ thực tế trên, UBND thành phố có chủ trương gắn mã QR trên bảng tên các tên đường, tên phố với mong muốn người dân tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhất. Đến nay, thành phố đã có trên 400 tuyến đường, tuyến phố được gắn mã QR, người dân rất phấn khởi. 

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, phường Phú Khánh là người xa quê lâu năm, khi trở về quê hương, thông qua việc gắn mã QR trên các tuyến đường, tuyến phố giúp chị thuận lợi trong việc đi lại. Chị Hạnh chia sẻ: Tôi về đây được hơn 1 năm và cũng chưa hiểu rõ các tuyến đường. Qua những thông tin của mã QR gắn trên tuyến đường, tuyến phố, tôi thấy rất hữu ích. Khi sử dụng điện thoại thông minh để quét mã, người dân biết được điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường, tuyến phố nên rất thuận lợi trong quá trình di chuyển. Đây là một bước chuyển biến quan trọng của thành phố khi ứng dụng kịp thời lĩnh vực chuyển đổi số, từng bước xây dựng thành phố Thái Bình hiện đại, thông minh.

Thực tế, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả. Khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, hoạt động sản xuất kinh doanh... đều có những cách làm sáng tạo giúp mọi hoạt động được thực hiện thông suốt. Đặc biệt, chuyển đổi số đã thay đổi toàn bộ công tác lãnh đạo, quản lý thông qua mạng văn phòng điện tử liên thông; các cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số để giải quyết các thủ tục hành chính, người dân giảm bớt các thủ tục hành chính. 

Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thành phố ngày càng thấy nhanh gọn và thuận lợi, bởi tất cả các thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực đều đã được niêm yết công khai tại chỗ và được đăng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.thaibinh.gov.vn, rất dễ dàng tìm hiểu để phục vụ cho giao dịch. Thậm chí, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ cần ngồi nhà với thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh vẫn có thể hoàn thành giao dịch.

Với quyết tâm phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực chuyển đổi số được ưu tiên hàng đầu. 

Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân là yêu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của Chuyển đổi số

Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân là yêu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của Chuyển đổi số

Cơ hội

Thái Bình là một trong những tỉnh có lợi thế về du lịch nông nghiệp. Thái Bình có 105.755ha đất nông nghiệp màu mỡ với những cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay. Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống rừng ngập mặn đa dạng, phong phú với các đầm nuôi trồng thủy sản, nhiều làng nghề nổi tiếng và làng vườn đặc sắc; nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt cùng hàng trăm lễ hội truyền thống được bảo tồn, lưu giữ và phát triển… 

Theo lãnh đạo Hội Du lịch Thái Bình: Với nền nông nghiệp trù phú, Thái Bình có nhiều thuận lợi phát triển du lịch nông nghiệp  thông qua những chuyến du lịch cộng đồng, trải nghiệm, du khảo đồng quê. Đặc biệt trong tương lai, gắn liền với một nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ là những vùng chuyên canh, những cánh đồng lớn và các mô hình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường cùng những sản phẩm nông nghiệp sạch, được sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại. Điều này sẽ góp phần kích cầu cho du lịch nông nghiệp phát triển.

Theo chuyên gia về du lịch: Để giải bài toán cho phát triển từ lợi thế nông nghiệp này, Thái Bình cần đẩy mạnh Tourism. Đây là một kết quả ấn tượng nếu mà ngành du lịch tỉnh phát huy thông qua việc không ngừng cải tiến, cập nhật ứng dụng. Thêm đó, Thái Bình nên triển khai nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch ezCloud nhằm giải quyết việc vận hành, phân phối, kinh doanh - 3 bài toán cấp thiết trong lĩnh vực du lịch hiện nay.

Mặc dù hoạt động chuyển đổi số của Thái Bình có sự bứt phá mạnh mẽ song chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức, vì vậy chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi. Cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng xu hướng hiện nay; các cấp, các ngành và mỗi cá nhân tiếp tục đưa Nghị quyết số 02 đi vào cuộc sống, cùng hành động để bước vào cuộc cách mạng sôi động chuyển đổi số.

Tại các hội nghị triển khai về lĩnh vực chuyển đổi số, ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển chung của xã hội, của đất nước và thế giới. Thái Bình muốn phát triển vươn lên mạnh mẽ thì phải đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực. Trong đó, cần tập trung vào 3 mục tiêu: nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; chuyển đổi phương thức, cách thức làm việc, trách nhiệm làm việc trên môi trường chuyển đổi số, trong đó bao gồm chuẩn hóa các quy trình và phương pháp làm việc; ứng dụng tối đa công nghệ mới để phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Việc quét mã QR giúp người dân thuận lợi trong việc tìm kiếm thông tin về các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn thành phố Thái Bình (Ảnh: Báo Thái Bình)

Việc quét mã QR giúp người dân thuận lợi trong việc tìm kiếm thông tin về các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn thành phố Thái Bình (Ảnh: Báo Thái Bình)

Theo ông Đỗ Như Lâm - Giám đốc Sở Thông tin và Truyên thông, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động chuyển đổi số của tỉnh tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với quyết tâm đưa Thái Bình bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 02, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động chuyển đổi số tỉnh ta có sự bứt phá đáng kể. Về hoạt động chính quyền số, tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng không châu Á - Thái Bình Dương

    Hàng không châu Á - Thái Bình Dương "chật vật" phục hồi

    03:00, 25/12/2023

  • Tập đoàn Marubeni đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình

    Tập đoàn Marubeni đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình

    18:04, 20/12/2023

  • Cách “Nói không với thuốc lá điện tử” của Trường THCS Tiền Phong, Thái Bình

    Cách “Nói không với thuốc lá điện tử” của Trường THCS Tiền Phong, Thái Bình

    08:55, 19/12/2023

TRUNG THÀNH